Nông nghiệp thông minh- Hướng đi mới giải quyết các thách thức của BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/10/2017

(TN&MT) – Chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường đã sớm được quan tâm ở nước ta, với các chính sách mới và sự ra đời của...

(TN&MT) – Chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường đã sớm được quan tâm ở nước ta, với các chính sách mới và sự ra đời của các phương thức canh tác nông nghiệp mới. "Nông nghiệp thông minh với khí hậu" (CSA) là một cách tiếp cận tổng hợp nhằm giải quyết những thách thức của an ninh lương thực và BĐKH cùng một lúc.

Bên lề hội thảo “Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam” được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức sáng 13/10, PGS.TS Nguyễn Bỉnh Thìn – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Ở quy mô trang trại, CSA là các thực hành canh tác mang lại các tác động tích cực cho phục hồi khi gặp phải điều kiện thời tiết cực đoan và sinh kế của hộ gia đình. Ở quy mô cảnh quan hoặc quốc gia, CSA cung cấp khung chính sách, quy hoạch sử dụng đất và giám sát đầu ra của các giải pháp can thiệp sinh kế.

CSA hướng tới 3 mục tiêu và cũng là 3 trụ cột quan trọng gồm: Tăng năng suất nông nghiệp một cách bền vững, hỗ trợ tăng trưởng đồng đều giữa thu nhập, an ninh lương thực và phát triển; Thích ứng và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực với BĐKH ở các cấp độ; Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp”.

PGS.TS Nguyễn Bỉnh Thìn – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT)
PGS.TS Nguyễn Bỉnh Thìn – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT)
 
Một số thực hành CSA cụ thể trong trồng trọt được áp dụng tại Việt Nam như: sử dụng giống lúa ngắn ngày, điều chỉnh lịch thời vụ để hạn chế ảnh hướng của hạn, úng; mô hình lúa tôm ĐBSCL; mô hình "1 Phải, 5 Giảm” tại Nam Định; mô hình trồng cà phê xen cây ăn quả (bơ, sầu riêng); mô hình tưới khô ẩm xen kẽ trong canh tác lúa tại An Giang.

Trong chăn nuôi, các thực hành CSA được áp dụng gồm: Hầm khí sinh học trong quản lý chất thải chăn nuôi lợn; Quy trình chăn nuôi Vịt Biển; Nuôi trâu bò kết hợp trồng và chế biến cỏ nhằm bổ sung thức ăn vào mùa đông ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo PGS.TS Nguyễn Bỉnh Thìn, ngành chăn nuôi Việt Nam đang tập trung các giải pháp ứng phó với BĐKH như: ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên trong chăn nuôi; chuyển dịch chăn nuôi sang những đối tượng vật nuôi có khả năng thích ứng với nhập mặn; giảm dần chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện môi trường; tổ chức sản xuất tăng liên kết theo chuỗi, sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa có truy xuất nguồn gốc; quản lý và chủ động nguồn thức ăn, nguồn nước đảm bảo vệ sinh cho vật nuôi; quản lý và xử lý triệt để chất thải chăn nuôi; xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trong điều kiện BĐKH; xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, BĐKH.

Mặt khác, những tác động của BĐKH trong sản xuất lương thực ở Việt Nam đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực khu vực và trên thế giới. Do vậy, để ứng phó với BĐKH, cách tiếp cận hợp lý nhất là “Nông nghiệp thông minh với BĐKH”- hướng đi mới để giải quyết cùng lúc các thách thức của BĐKH đưa nền Nông nghiệp Việt Nam đến phát triển bền vững.

Tin & ảnh: Mai Đan