Cần thiết phải tăng chi cho môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2017

(TN&MT) - Đó là ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi nghe Bộ TN&MT báo cáo với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2017 và triển khai nhiệm vụ, ngân sách năm 2018.

Năm 2017, chi chỉ đáp ứng 55% nhu cầu

Trước các áp lực về phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội các ngành, các tỉnh, thành phố đã tập trung vốn nhiều hơn vào các công trình tác động trực tiếp cho sự phát triển về kinh tế - xã hội, như xây dựng các dự án về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện; xây dựng trụ sở…, ít chú trọng dành vốn cho đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ TN&MT. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này được xem như phần còn lại, sau khi đã bố trí cho các việc khác. Tỷ lệ chi cho môi trường ngày càng giảm khiến Bộ TN&MT phải lên tiếng đề nghị các địa phương bảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp BVMT.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách phân bổ cho sự nghiệp môi trường hiện nay còn dàn trải, bị chia nhỏ cho 31 Bộ, ngành. Vì thế không tập trung được nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn, vấn đề môi trường trọng điểm của quốc gia.

Tăng cường vốn đầu tư xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Ảnh: Hoàng Minh
Tăng cường vốn đầu tư xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Ảnh: Hoàng Minh

Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, năm 2017, nhu cầu triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành rất lớn với tổng kinh phí đề xuất là gần 853 tỷ đồng. Tuy vậy, do điều kiện ngân sách có hạn, sau khi thẩm định, cân đối, Bộ TN&MT và Bộ Tài chính đã thống nhất phân bổ khoảng 469 tỷ đồng cho các hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường của các Bộ, ngành (chiếm 55% nhu cầu đề xuất).

Mặc dù, Bộ Tài chính dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, NSNN vẫn tiếp tục đảm bảo bố trí 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ chi NSNN. Tuy vậy, Bộ này cũng thừa nhận mức chi này chưa tương xứng với mức tăng trưởng của nền kinh tế và với mức tăng huy động vào NSNN. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ chi cho mục đích bảo vệ môi trường so với nguồn thu tương ứng ngày càng giảm trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, thu từ thuế BVMT đã tăng hơn 3 lần trong vòng 5 năm qua, lên khoảng 38.000 tỷ đồng trong năm 2016. Trong khi đó, số chi tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ lên 12.290 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, kinh phí sự nghiệp môi trường là một nguồn lực tài chính quan trọng cho BVMT, nhưng hiện nay nguồn kinh phí này chưa đủ để giải quyết các vấn đề môi trường.

Tăng mức chi

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đầu tư cho bảo vệ và phát triển TN&MT ở Việt Nam còn khá thấp. Nguồn kinh phí của Nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường mới chỉ đạt 1% tổng chi ngân sách, trong khi đó, ở Trung Quốc và các nước ASEAN, đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm từ 3% - 4% GDP.

Vì vậy, chiều 3/10, sau khi nghe Bộ TN&MT báo cáo với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2017 và triển khai nhiệm vụ, ngân sách năm 2018, các đại biểu đã kiến nghị Quốc hội xem xét, tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Theo đó, hàng năm tăng dần mức chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trên 1% tổng chi ngân sách Nhà nước, đồng thời, tái cơ cấu chi từ các nguồn thu phí bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường để đầu tư trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; có chính sách thu hút đầu tư của khối tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, cần có đánh giá cụ thể, đưa ra những nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phân bổ ngân sách phù hợp và đạt hiệu quả cao. Đại biểu Thái Trường Giang, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nguồn ngân sách để xử lý nước thải khu đô thị cần được quan tâm đầu tư hơn nữa bởi hiện nay, có nhiều đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Còn đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản: người gây ô nhiễm phải chi trả để xử lý ô nhiễm và khắc phục hậu quả. Nếu làm tốt việc này, ngân sách Nhà nước sẽ chỉ tập trung vào những việc đúng chức năng quản lý Nhà nước như: xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, công tác đào tạo,… đồng thời, tránh tình trạng một số địa phương chi cho hoạt động bảo vệ môi trường vượt ngân sách Nhà nước phân bổ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cũng nhất trí việc đề nghị xem xét tăng cường vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường trong tổng chi ngân sách nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm, suy thoái…

Báo cáo của Bộ TN&MT nêu rõ, năm 2017, ngân sách sự nghiệp môi trường của cả nước là 13.880 tỷ đồng, trong đó, kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho các địa phương là 12.000 tỷ đồng; của Trung ương là 1.880 tỷ đồng. Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương đã phân bổ đợt 1 năm 2017 là hơn 1.653 tỷ đồng; còn lại chưa phân bổ là khoảng 226 tỷ đồng.

Căn cứ đăng ký kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường của 31 Bộ, ngành; căn cứ các hồ sơ đề nghị hỗ trợ xử lý các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các địa phương, Bộ TN&MT dự kiến tổng kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2018 là hơn 2.380 tỷ đồng, trong đó, chi từ nguồn vốn trong nước là trên 2.061 tỷ đồng, chi từ nguồn vốn ngoài nước là gần 320 tỷ đồng.

Mai Chi