Cần quan tâm đến nhân lực quản lý môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 02/10/2017

Thu nhập thấp, làm việc trong lĩnh vực độc hại, bị hạn chế về thẩm quyền… khiến nhiều người làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố chưa gắn bó công việc. Khắc phục tình trạng này để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở đang là vấn đề quan tâm của nhiều địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt bừa bãi, Chủ tịch UBND xã Liên Phương (huyện Thường Tín) Uông Văn Hạnh giao nhân viên quản lý, bảo vệ môi trường Hoàng Văn Châu chịu trách nhiệm canh gác điểm trung chuyển rác của địa phương.

Đáp lại yêu cầu của Chủ tịch UBND xã, ông Châu quyết định làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1-10 với lý do công việc độc hại, thu nhập thấp, chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, không bảo đảm mức sống tối thiểu. Hơn nữa, trong suốt 7 năm làm việc trong lĩnh vực này, lao động hợp đồng chưa “nhìn thấy cơ hội” được vào biên chế…

Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Phượng, nhân viên quản lý, bảo vệ môi trường xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ). Với tấm bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy, chuyên ngành Khoa học môi trường nhưng bà Phượng cũng chỉ được huyện Chương Mỹ ký hợp đồng ngắn hạn từ ngày 1-8-2015 đến nay, với hệ số lương 1,0.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Lã Văn Tùng cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, huyện đã ký hợp đồng với 32 người, đưa về 32 xã, thị trấn làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ quản lý, bảo vệ môi trường. Trong 32 người này thì 16 người có trình độ đại học, 8 cao đẳng, 5 trung cấp chuyên nghiệp, 3 trung học phổ thông. Về chuyên ngành đào tạo chủ yếu là Khoa học môi trường, Quản lý đất đai…

Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện: Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Gia Lâm… lực lượng quản lý, bảo vệ môi trường cấp cơ sở có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, do quy định cấp xã không có công chức chuyên trách công tác bảo vệ môi trường nên các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố ký hợp đồng lao động và đưa về các xã, phường, thị trấn. Thực tế này dẫn đến hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương chưa như kỳ vọng.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, ngày 15-9, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 31/2017/QĐ-UBND quy định về một số mức chi bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cho phép các địa phương điều chỉnh mức chi cho hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường ở cấp huyện mức tối đa bằng 1,329 lần hệ số lương bậc 1 công chức loại A1 theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân với mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Đối với hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã thì mức chi tối đa bằng 1,329 lần mức lương cơ sở.

Về biên chế, ông Mai Trọng Thái cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất UBND thành phố tăng chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên ngành môi trường cho cấp quận, huyện và cấp xã, phường. Để lao động hợp đồng yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Sở cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương áp dụng đúng quy định của thành phố ban hành ngày 15-9-2017 và các chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước...

Theo HNMO