GS.TSKH Đào Xuân Học: Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục chủ động sống chung với lũ

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/09/2017

(TN&MT) - Trình bày báo cáo về “Thực trạng và giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH” vào sáng 26/9, GS.TSKH Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Để đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong quản lý lũ, chống nước biển dâng, kể cả đối với bài toán cực đoan, đề xuất chuyển đổi từ chiến lược “Sống chung với lũ” sang chiến lược “Chủ động sống chung với lũ”.
GS.TSKH Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT . Ảnh: Việt Hùng
GS.TSKH Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ảnh: Việt Hùng

Về những thách thức trong quản lý nước ở vùng ĐBSCL trong thời gian tới, GS.TSKH Đào Xuân Học cho rằng một trong những nguyên nhân đó là việc quản lý, hạn chế việc khai thác nước ngầm ở đồng bằng và các đô thị, không chỉ đảm bảo cho phát triển bền vững mà nó đã trở thành vấn đề sống còn của đồng bằng và các đô thị. Giải quyết cấp nước ngọt chủ động cho các vùng sản xuất ven biển là nhiệm vụ cấp thiết, ở vùng xa nguồn cấp nước ngọt, thì việc nghiên cứu các gải pháp trữ nước là rất cần thiết.

Vấn đề đô thị hoá và công nghiệp hoá tạo thêm sức ép về gia tăng dân số, vấn đề môi trường, nhu cầu khai thác nước ngầm, lún sụt đất, kéo theo là úng ngập trong các thành phố gia tăng.

Để bảo vệ tính mạng người dân, tạo tiền đề cho phát triển bền vững dải ven biển, ông Đào Xuân Học cho rằng rất cần có một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh các thiên tai như NBD, bão lớn, siêu bão và sóng thần, kết hợp tạo được ranh mặn ngọt, xây dựng đường cấp và đường thoát nước riêng biệt, chủ động trong cấp nước mặn và cấp nước ngọt, tiến tới dừng việc khai thác nước ngầm-nguyên nhân chính gây lún sụt đất.

Vậy đâu là giải pháp quản lý nguồn nước và thiên tai ở khu vực ĐBSCL? GS Đào Xuân Học nhấn mạnh: Để đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong quản lý lũ, chống nước biển dâng, kể cả đối với bài toán cực đoan, đề xuất chuyển đổi từ chiến lược “Sống chung với lũ” sang chiến lược “Chủ động sống chung với lũ”.

Theo ông Đào Xuân Học, việc “Chủ động sống chung với lũ” là chủ động đưa lũ vào ruộng vườn để khai thác tất cả những lợi ích từ lũ mang lại như: vệ sinh đồng ruộng và cải đạo đất, lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất, lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm, giữ gìn sự đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản (như sống chung với lũ)...

Nhưng với những trận lũ lớn cực đoan, đỉnh lũ trong đồng sẽ được kiểm soát để không gây ngập các cụm tuyến dân cư, các khu dân cư, các thành phố, phá hoại các cơ sở hạ tầng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Để kiểm soát đỉnh lũ lớn, chúng ta chỉ cần một hệ thống đê (sử dụng hệ thống đường giao thông hiện có) dọc hai sông lớn và một hệ thống cống, bao gồm cống và âu thuyền. Cống được thiết kế rộng bằng mặt cắt kênh, được mở thường xuyên để nước chảy và phục vụ giao thông thủy.

Cống chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát đỉnh lũ với những trận lũ lớn cực đoan, hạn chế những trận lũ sớm để bảo vệ vụ lúa hè thu và đóng cống cuối vụ để tiêu nước trong đồng đối với những năm lũ muộn.

GS.TSKH Đào Xuân Học phát biểu tại phiên họp sáng 26/9
GS.TSKH Đào Xuân Học phát biểu tại phiên họp sáng 26/9.  ẢnhViệt Hùng

Ngoài ra, theo ông Đào Xuân Học, các Âu thuyền phục vụ giao thông thủy khi cống làm nhiệm vụ kiểm soát lũ. Như vậy chúng ta không cần tiếp tục xây dựng thêm đê để bảo vệ các thành phố, các làng ấp, không cần đê chống lũ hai vụ, không cần kinh phí để nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê trong nội đồng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau mỗi năm lũ lớn; không cần xây dựng các hệ thống trạm bơm tiêu cho các đô thị, các làng ấp, không cần bơm tiêu nước lũ vào những năm lũ rút muộn. Ngoài ra còn tăng lưu lượng mùa kiệt vào đồng và tăng mực nước lũ nhỏ thành lũ trung bình nhờ công tác quản lý khi có hệ thông cống ở hai đầu kênh…

Theo chiến lược này thì tổng chiều dài đê ngăn lũ trước mắt và lâu dài chỉ luôn là 1.200 km so với 57.000 km đê của phương án bao như hiện nay (và sẽ tăng lên 100.000 km nếu NBD 50 cm). Đối với kịch bản cực đoan khi Cămpuchia xây dựng công trình điều tiết MN ở Biển Hồ cũng không gây ảnh vì có thể chủ động thích ứng…

Để chủ động giảm thiểu xạt lở, chống úng ngập do mưa lớn, không khai thác nước ngầm, ở các khu đô thị mới cần quy định dành khoảng 10% quỹ đất để đào hồ sinh thái nhằm: Lấy đất để san lấp nền (giảm nhu cầu cát khai thác từ sông khoảng 60-80%); Chống úng ngập do mưa lớn; Cung cấp nước sinh hoạt nhằm giảm và không khai thác nước ngầm – nguyên nhân chính gây lún sụt đất; Cải tạo vi khí hậu cho các khu đô thị; (5) 50% diện tích mặt hồ có thể bố trí năng lương mặt trời cung cấp được cho trên 50% dân số ở khu đô thị. Hồ sinh thái rồi tiến tới xây dựng các “đô thị sinh thái và làng sinh thái” là giải pháp đa mục tiêu tạo sự phát triển bền vững ĐBSCL...

Các khu đô thị cũ có mật độ dân cư cao, việc tìm quỹ đất để xây dựng các hồ chứa là khó khả thi. Vì vậy nghiên cứu giải pháp trữ nước mưa trong từng hộ dân là một nội dung cần thiết trong nghiên cứu giải pháp chống úng ngập cho các đô thị ở khu vực ĐBSCL.

Đối với công tác quản lý nguồn nước và nguồn nước xuyên biên giới, GS Đào Xuân Học cho rằng: Để đồng bộ và thống nhất trong quản lý nước trên toàn đồng bằng, đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu thành lập một số Công ty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi liên vùng như: Vùng Tứ Giác Long Xuyên, Vùng ĐTM, Vùng Bán đảo Cà Mau, Vùng Cửa sông và ven biển…

Trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình như: Chương trình kiểm soát lũ; Chương trình cụm tuyến dân cư; Chương trình Thuỷ lợi cho Thuỷ sản; Chương trình kiểm soát mặn và cải tạo đất và nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong vũng lũ đã kịp thời ban hành... Nhờ vậy, số người bị thiệt hại do lũ lụt đã giảm đáng kể; diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng tăng liên tục. Tuy nhiên, các chương trình được thực hiện bởi các Bộ, ngành và địa phương khác nhau, thiếu sự kết nối giữa các quy hoạch, chưa được đặt trong một bài toán tổng thể với tầm nhìn dài hạn của đồng bằng, nên đã bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý nước ở khu vực ĐBSCL: 

Số lượng đê bao, bờ bao và cụm tuyến dân cư được xây quá nhiều (19.930 km đê bao chống lũ triệt để bảo vệ 6.026 ô ruộng sản xuất 3 vụ và 17.760km đê bao chống lũ sớm để bảo vệ 4.513 ô ruộng sản xuất hai vụ) gây cản trở dòng chảy, chiếm dung tích trữ lũ làm cho MN trong đồng dâng cao (tại Cần Thơ, MN năm 2011 cao hơn năm 2000 tới 20cm, mặc dù ở Tân Châu, MN năm 2011 thấp năm 2000 hơn 20cm) gây úng ngập hầu hết các thành phố, đô thị và làng mạc ở khu giữa ĐB và Tp. HCM. Hơn 2078 km trên tổng số13.347 km tuyến dân cư đã xây dựng bị ngập lũ năm 2011.

Việt Hùng(lược ghi)