Khoa học & Công nghệ: "Dẫn đường" cho những đột phá chính sách

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/08/2017

(TN&MT) - Nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) luôn là hoạt động đi trước một bước, là cơ sở khoa học “dẫn đường” cho các quyết định về quản lý, quy hoạch và phát triển. Nghiên cứu KHCN ngành TN&MT trong suốt 15 năm hình thành và phát triển đã giữ vững vị thế của mình khi mỗi đề tài nghiên cứu đều phục vụ đắc lực vào xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống điều tra cơ bản ngành TN&MT.

Hình thành khung chương trình trọng điểm

Để giải quyết các vấn đề trong quản lý, cung cấp cơ sở khoa học phục vụ việc xây dựng văn bản pháp luật cho hoạt động quản lý ngành, đồng thời, đáp ứng nhu cầu điều tra cơ bản TN&MT, Vụ KHCN đã tham mưu lãnh đạo Bộ TN&MT phê duyệt Khung Chương trình KHCN ngay từ năm 2009, tức sau 6 năm thành lập Bộ TN&MT. Theo ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ KHCN, Khung Chương trình là cơ sở rất quan trọng, mang tính định hướng. Cụ thể, giúp cho hoạt động nghiên cứu KHCN của ngành TN&MT luôn đi đúng hướng, đề xuất nghiên cứu đúng trọng tâm, trọng điểm trong. Theo đó, Bộ TN&MT đã phê duyệt Khung 7 Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ thuộc 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, tổ chức triển khai trong giai đoạn 2010 - 2015, như: lĩnh vực đất đai; lĩnh vực khí tượng thủy văn; biển và hải đảo; lĩnh vực đo đạc bản đồ.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Bộ TN&MT còn được giao chủ trì quản lý, thực hiện 2 Chương trình KH&CN cấp quốc gia: “KH&CN phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”, mã số KHCN-BĐKH/11-15; “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam”, mã số KHCN-33/11-15; Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ còn được phê duyệt chủ trì thực hiện các nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia và hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư.

Trước khi có Khung 7 Chương trình nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu KHCN của Bộ TN&MT còn khá rời rạc và thiếu kinh phí trầm trọng, chỉ đủ chi trả hoạt động thường xuyên cho các Viện thuộc các Tổng cục, kinh phí dành riêng cho nghiên cứu rất ít nên kết quả các công trình nghiên cứu chưa được như mong muốn.

Từ khi có định hướng từ Khung Chương trình nghiên cứu KHCN của Bộ TN&MT, hàng năm, việc đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học đã đi vào thực chất hơn. Hầu hết, các đề tài nghiên cứu đề xuất và được phê duyệt đều là những vấn đề cấp thiết của ngành, nhằm mục đích những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động quản lý, xây dựng văn bản pháp luật. Nhờ đó, giai đoạn này, hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học đã làm được “sứ mệnh” là có địa chỉ ứng dụng rõ ràng, kết quả được áp dụng vào các hoạt động thực tiễn trong việc hoàn thiện, xây dựng các văn bản pháp luật quản lý ngành; đồng thời, đóng góp không nhỏ vào việc đánh giá lại các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước.

Đề tài nghiên cứu phục vụ đắc lực cho hệ thống điều tra cơ bản ngành TN&MT. Ảnh: Hoàng Minh
Đề tài nghiên cứu phục vụ đắc lực cho hệ thống điều tra cơ bản ngành TN&MT. Ảnh: Hoàng Minh

Đáp ứng nguyên liệu “đầu vào” cho văn bản pháp luật

Kết quả nghiên cứu khoa học của nhiều đề tài KHCN có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng văn bản, chính sách pháp luật quan trọng của ngành. Đơn cử như, với lĩnh vực đất đai, giai đoạn này đã triển khai được 34 đề tài cấp Bộ. Kết quả đã phục vụ đắc lực cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 ở những nội dung rất quan trọng như: cơ sở lý luận và thực tiễn về thời hạn, hạn mức sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; cơ chế quản lý và sử dụng đất của các doanh nghiệp, thực trạng chính sách về tạo quỹ đất, đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật đất đai. Đặc biệt, việc  Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp giải quyết một số vấn đề còn bất cập về chính sách đất đai trong các lĩnh vực, từ đó, xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn nhằm giảm các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân, nâng cao hiệu quả công tác cấp Giấy CNQSDĐ.

Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học còn giúp đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề đang “vướng” trên thực tiễn như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai; đề xuất cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất...

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, một lĩnh vực mới giao cho Bộ TN&MT quản lý khi mới thành lập, cũng được chú trọng đầu tư nghiên cứu với việc triển khai thực hiện 49 đề tài, trong đó, có 14 đề tài phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước và 35 đề tài phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước. Các kết quả của đề tài đã xác lập cơ sở khoa học xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên nước như: sở hữu tài nguyên nước; xây dựng các chính sách thực hiện quyền sở hữu tài nguyên nước và bảo vệ quyền sở hữu tài nguyên nước; xây dựng tiêu chí và quy định phân loại nguồn nước mặt, nước dưới đất, nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt và nguồn nước cần phục hồi nhằm hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước; đề xuất các quy định về hành lang bảo vệ sông, hồ phù hợp; đề xuất các quy định về hành lang bảo vệ sông, hồ phù hợp, bảo đảm triển khai thực thi hiệu quả các quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; xác định mức độ ưu tiên, cơ chế và tỷ lệ chia sẻ nguồn nước để xây dựng phương pháp phân bổ nguồn nước lưu vực sông trong tình huống thiếu nước phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Đối với các lĩnh vực khác, kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học cũng luôn  là cơ sở vững chắc, đặt nền móng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ quản lý ngành trong thực tiễn như: Địa chất khoáng sản đã triển khai thực hiện được  47 đề tài, trong đó, đề xuất được những vấn đề  quan trong trọng việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xây dựng tiêu chí khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ… Trong lĩnh vực  môi trường, triển khai 50 đề tài, kết quả của các đề tài đã cung cấp hệ thống lý luận khoa học phục vụ cho việc xây dựng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi 2014), đề xuất được khung Bộ luật Môi trường, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, tiến tới hội nhập với thế giới. 

Trong ngành khí tượng thủy văn, đã triển khai nghiên cứu 42 đề tài tài tập trung vào việc nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm với việc phát triển các công nghệ dự báo phù hợp với tiềm lực khoa học công nghệ của ngành nhằm nâng cao chất lượng về phục vụ khí tượng thủy văn. Nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực biển và hải đảo cũng thực hiện được 21 đề tài. Kết quả nghiên cứu của 9/21 đề tài (chiếm tỷ lệ 60%) đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật và thể chế quản lý tổng hợp, thống nhất, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển và hải đảo Việt Nam.

Riêng lĩnh vực đo đạc - bản đồ, viễn thám đã triển khai 45 đề tài. Hầu hết các  đề tài được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về KHCN, trên cơ sở kế thừa các vấn đề khoa học trước đây cũng như tiếp thu KHCN mới trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng được mục tiêu đề ra và có tính khả thi. Kết quả, sản phẩm của các đề tài đều có khả năng áp dụng vào thực tiễn và có cơ sở khoa học để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT.

Đổi mới để có sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao

Sau 5 năm triển khai, đánh giá tổng kết hoạt động KHCN theo Khung Chương trình được phê duyệt, ông Nguyễn Đắc Đồng  - Vụ trưởng Vụ KH&CN cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học ngành TN&MT tuy đã có bước tiến dài nhưng cũng còn không ít hạn chế được nêu ra như: Trình độ KHCN của các kết quả nghiên cứu về công nghệ phục vụ điều tra cơ bản hầu hết chỉ đạt trình độ trung bình, trung bình khá so với trình độ của khu vực và thế giới, cơ bản dừng ở mức nghiên cứu, tiếp thu các công nghệ tiên tiến của nước ngoài để áp dụng ở Việt Nam, một vài đề tài có hàm lượng KHCN chưa cao. Chưa có các nghiên cứu trong một số lĩnh vực mang tính mũi nhọn của thế giới, chưa có các nghiên cứu mà kết quả tạo ra có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hay việc chuyển giao kết quả nghiên cứu đến các đơn vị sử dụng, đặc biệt, chuyển giao cho địa phương, cho các đơn vị ngoài Bộ còn chậm hoặc chưa được thực hiện. Kết quả nghiên cứu trong một số trường hợp chậm được ứng dụng trong thực tiễn. Việc đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN; các cơ chế chính sách khuyến khích đưa tiến bộ KHCN vào thực tiễn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý, giám sát hoạt động KHCN còn hạn chế.

Để từng bước nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu cũng như chất lượng các đề tài từ khi xét duyệt, Vụ KHCN đã trình Bộ TN&MT phê duyệt quy trình quản lý KHCN phục vụ quản lý Nhà nước, quy chế xác định danh mục đề tài. Ví dụ như đề tài muốn được phê duyệt, đưa vào nghiên cứu phải có địa chỉ sử dụng cụ thể, mục đích sử dụng rõ ràng và thời gian sử dụng. Các đề tài muốn được xét duyệt đều phải đưa ra Hội đồng KHCN cấp Bộ do Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực làm Chủ tịch Hội đồng. Đề tài sau khi đưa lên Vụ KHCN, Vụ phải có trách nhiệm gặp gỡ đơn vị quản lý đề xuất đề tài cùng với đơn vị xác định sử dụng kết quả nghiên cứu để rà soát, xác định tính khả thi. Đề tài sau khi được Hội đồng KHCN cấp Bộ chấp nhận sẽ được lập danh sách và đưa trình Bộ trưởng phê duyệt. Tuy vậy, trên thực tế, việc tuyển chọn cũng chưa mang tính cạnh tranh cao khi hầu hết các đề tài nghiên cứu đều do đơn vị tự trình và bảo vệ thuyết minh chứ chưa có các đơn vị ngoài Bộ đề xuất. Để đổi mới và nâng cao hoạt động này, Vụ KHCN đã phối hợp Vụ TCCB đang trình Bộ trưởng tổ chức Tọa đàm khoa học. Trên cơ sở 8 Khung Chương trình của Bộ TN&MT, các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự sẽ góp ý, đề xuất vào nội dung cần làm vào các nội dung của Khung Chương trình. Nếu những đề tài, vấn đề nhỏ, ghép vào Khung Chương trình, những vấn đề lớn sẽ hình thành đề tài trọng điểm.

Sẽ có nhóm khoảng10 - 20 đề tài trọng điểm cao hơn cấp Bộ nhưng thấp hơn cấp quốc gia có tính chất liên ngành, liên vùng, giải quyết những vấn đề lớn từ đề xuất của các nhà khoa học, quản lý, từ đó, đưa hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào giải quyết những vấn đề cấp bách, thiết thực và mang tính chất rộng lớn hơn.

Minh Thư