Viện Khoa học KTTV&BĐKH: Giữ vững vị thế đầu ngành KHCN ứng phó BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/08/2017

(TN&MT) - Với gần 400 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó, có trên 50 đề tài thuộc các Chương trình cấp Nhà nước, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã và đang ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Hoàn thành nhiều công trình khoa học lớn

Thành quả nghiên cứu nổi bật của Viện trong những năm gần đây là hoàn thành “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với BĐKH” (SREX) - 1 trong 10 sự kiện nổi bật năm 2015 của ngành TN&MT. Trong vòng 2 năm, hơn 70 nhà khoa học đã phân tích và đánh giá toàn diện các hiện tượng cực đoan, tác động của chúng đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam. Báo cáo đã cung cấp những thông tin rất quan trọng, hỗ trợ Chính phủ xác định và tập trung đầu tư cho các kế hoạch, biện pháp phòng tránh thiên tai, thích ứng BĐKH cấp bách, ưu tiên thực hiện thời gian sau đó.

Năm 2016, Viện đã công bố Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cập nhật, làm cơ sở cho các Bộ ngành, địa phương nghiên cứu trong quá trình hoạch định, cập nhật kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, vùng địa phương... Kịch bản 2016 cung cấp thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế BĐKH trong quá khứ, dự tính khí hậu và nước biển dâng trong Thế kỷ 21... Kết quả cập nhật được Viện tiếp tục chuyển giao cho 63 tỉnh thành và tất cả các Bộ, ngành để kịp thời đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Cùng với tác động tiêu cực của BĐKH lên nước ta ngày càng nghiêm trọng, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cũng phải đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Viện vẫn luôn giữ vững vị thế đầu ngành trong lĩnh vực này và tiếp tục kế thừa nền tảng vững chắc từ 40 năm xây dựng và phát triển. Năng lực giám sát các hiện tượng thời tiết cực đoan, theo dõi những biểu hiện của BĐKH trên cả nước tăng dần theo số lượng hoàn thành và kết quả áp dụng các công trình nghiên cứu.

Cải tiến công nghệ dự báo và cảnh báo. Ảnh: MH
Cải tiến công nghệ dự báo và cảnh báo. Ảnh: MH

Một số đề tài về khí tượng khí hậu nổi bật như: Khí hậu Việt Nam; Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV Việt Nam; Nghiên cứu về khí tượng nhiệt đới và bão; Đánh giá tài nguyên khí hậu Việt Nam; Phân vùng khí hậu nông nghiệp Việt Nam; Phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng... Lĩnh vực thủy văn cũng có nhiều thành tựu trong nghiên cứu về: Dòng chảy cát bùn sông Hồng; tài nguyên nước mặt ĐBSCL; đặc trưng hình thái lưu vực sông; tính toán và dự báo dòng chảy sông ngòi Việt Nam; tính toán dòng chảy lũ…

Việc cập nhật các kịch bản cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó BĐKH. Viện tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Thông báo quốc gia của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH và Kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với BĐKH; chủ trì xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH…

Cải tiến công nghệ dự báo và cảnh báo

Một bước phát triển đáng kể của Viện là ứng dụng phương pháp số trị vào công tác cảnh báo, dự báo. Từ các kết quả nghiên cứu, Viện đã chủ trì đề xuất quy định lại cấp báo động lũ trên các sông chính của Việt Nam. Độ chính xác và thời gian dự kiến của các bản tin dự báo bão được nâng lên nhờ ứng dụng các thiết bị và công nghệ mới trong dự báo, xây dựng hệ thống dự báo tổ hợp nghiệp vụ bằng các mô hình số trị thời tiết và thủy văn, hải văn. Viện đã kết hợp nhiều mô hình dự báo khí hậu khác nhau để ra các thông báo và dự báo khí hậu, hạn hán, khí tượng nông nghiệp hàng tháng, gửi đến các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, phương pháp số trị còn giúp dự báo chất lượng không khí hàng ngày cho các thành phố của Việt Nam; Nghiên cứu lan truyền ô nhiễm không khí xuyên biên giới; Nghiên cứu ứng dụng mô hình dự báo lũ cho hệ thống sông Hồng - Thái Bình… Quy trình dự báo và vận hành công trình phòng chống lũ trong trường hợp khẩn cấp đang từng bước đưa vào công tác dự báo và có bản tin trên trang web...

Viện đã chuyển giao cho địa phương được một số mô hình số trị phục vụ dự báo thời tiết và bão, dự báo khí hậu, dự báo thủy văn và hải văn; các kịch bản nguy cơ sóng thần cho các vùng biển. Nhiều sản phẩm nghiên cứu khí hậu, KTTV phạm vi tỉnh đã được chuyển giao cho các tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Điện Biên, Sơn La, các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung…). 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã có kết quả phân vùng nguy cơ lũ quét và hai hệ thống cảnh báo tự động mưa lớn. Thông qua các đề tài, dự án, Viện cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn để đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ địa phương.

Những đề tài nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tập trung tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, đánh giá các tác động của BĐKH đến các lĩnh vực, ngành, địa phương tại Việt Nam. Trên cơ sở này, Viện đề xuất tích hợp vấn đề BĐKH vào các kế hoạch phát triển KT - XH, hướng dẫn xây dựng các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính ở Việt Nam… để hỗ trợ các đơn vị chủ động trong quá trình hoạch định, cập nhật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, địa phương.

Gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn

Phát huy thành quả đã đạt được, Viện Khoa học KTTV& BĐKH tiếp tục chú trọng các nghiên cứu thiết thực, gắn với thực tiễn quản lý của ngành, giải quyết các vấn đề mà ngành và địa phương đang đặt ra. Trong đó, tập trung phát triển công nghệ dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn, nắng nóng, lũ lụt, rét đậm - rét hại, cảnh báo ngập lụt, lũ quét, hạn hán và xâm nhập mặn; nghiên cứu xác định cấp độ rủi ro thiên tai và chi tiết hóa cấp độ rủi ro đối với các loại hình thiên tai.

Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam sẽ được chi tiết đến cấp xã, trong đó, có tính đến các lĩnh vực khác như khoa học địa chất, nghiên cứu đến yếu tố sụt lún. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp thích ứng với BĐKH và các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; phối hợp thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Công tác đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành cũng như của xã hội. Có kế hoạch với lộ trình cụ thể mở rộng các mã ngành đào tạo, phát triển quy mô đào tạo của Viện. Viện cũng mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Nghiên cứu, triển khai các mô hình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo uy tín của quốc tế; trở thành cầu nối giữa các nhà quản lý với các nhà khoa học trong và ngoài nước về BĐKH.

Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Những thành tích của Viện đạt được là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, cùng với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đổi mới, khắc phục khó khăn của Đảng ủy, lãnh đạo Viện và của toàn thể cán bộ viên chức qua từng giai đoạn.

Phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các khó khăn, chắc chắn Viện sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới, đưa Viện ngày càng phát triển, trở thành một Viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ, xứng đáng với các thế hệ đi trước, đóng góp vào những thành tựu và thắng lợi của Bộ TN&MT.

Liên tiếp 2 năm 2015 – 2016, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Viện. Sắp tới, Viện chuẩn bị đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ.

Khánh Ly