Giải quyết áp lực môi trường: Phải lựa chọn tăng trưởng xanh

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/08/2017

(TN&MT) - Bộ TN&MT có chức năng quản lý Nhà nước về môi trường được thành lập cách đây 15 năm. Song, cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia được đặt nền móng từ cách đây 25 năm, khi Cục Môi trường được thành lập năm 1992. Công tác quản lý bảo vệ môi trường ngày càng có vai trò cấp thiết trong đảm bảo sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ TN&MT, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tài (ảnh), Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường về “bức tranh” quản lý môi trường trong hơn một thập kỷ qua, những áp lực môi trường và việc hài hòa mối quan hệ môi trường và phát triển.

PV: Thưa ông, nhìn lại chặng đường 15 năm qua và xa hơn là 25 năm từ khi cơ quan bảo vệ môi trường đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về môi trường từng bước được hoàn thiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tài: Từ khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, nền kinh tế mở cửa năng động, vấn đề quản lý, bảo môi trường đặt ra ngày càng cấp thiết. Bởi thế, xây dựng và hình thành nên một hệ thống văn bản pháp luật về môi trường được xem là một dấu ấn trong lĩnh vực này.

Một năm sau khi Cục Môi trường ra đời, năm 1993, Quốc hội đã thông qua Luật Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên tạo nền tảng pháp lý cho hệ thống luật pháp về môi trường của nước ta. Từ đó đến nay, Luật Bảo vệ môi trường đã 2 lần được bổ sung, chỉnh sửa vào năm 2005 và 2014 để cập nhật với tình hình phát triển mới; có nhiều quy định mới đề cập đến những vấn đề nóng phát sinh trong công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành được ban hành nhằm đưa Luật vào thực thi. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng được rà soát, sửa đổi và ban hành đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường, việc Quốc hội thông qua Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã tạo một bước tiến mới trong việc hình thành và phát triển hành lang pháp lý về bảo tồn đa dạng sinh học.

Để có được hệ thống văn bản pháp luật khá bao quát, Đảng và Nhà nước đã có các chỉ đạo sâu sát. Điều đó thể hiện ở 2 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 41-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đặc biệt là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, cùng nhiều chương trình, chiến lược, kế hoạch chuyên ngành khác.

PV: Thực tế trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta đã làm gì để  phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Để kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm, việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) liên tục được các nhà quản lý môi trường quan tâm, cập nhật các quy định cho phù hợp với tình hình phát triển. Nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định ĐMC, ĐTM ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng cải cách hành chính nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng của công tác thẩm định.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng bổ sung một số điểm mới quan trọng trong như: Công cụ quy hoạch bảo vệ môi trường; rà soát lại danh mục các đối tượng phải lập ĐMC/ĐTM; quy định yêu cầu về chứng chỉ tư vấn ĐMC/ĐTM; hình thành danh mục dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đã bổ sung yêu cầu lồng ghép nội dung về biến đổi khí hậu trong báo cáo ĐMC và nội dung đánh giá sức khỏe cộng đồng trong ĐTM. Thông qua công tác đánh giá tác động môi trường, nhiều dự án đầu tư đã bị từ chối vì lý do không đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh vi phạm môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý về môi trường các cấp. Hoạt động này góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, làm thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường. Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tăng lên tối đa 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1 tỷ đồng (đối với cá nhân) đã tạo tính răn đe cao, phát huy hiệu quả và là công cụ hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh việc kiểm soát các dự án mới, việc xử lý ô nhiễm hiện có cũng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, đã giúp công tác quản lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tập trung, thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý, sự giám sát của cộng đồng.

Sản xuất gắn với công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: MH
Sản xuất gắn với công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: MH

PV: Bảo vệ, phục hồi môi trường là việc làm thường xuyên, liên tục và khá tốn kinh phí. Trong hơn một thập kỷ qua, việc huy động nguồn lực tài chính được triển khai như thế nào, thưa ông? 

Ông Nguyễn Văn Tài: Đúng là công tác bảo vệ môi trường cần nguồn kinh phí lớn nên ngoài ngân sách Nhà nước, thời gian qua, chúng tôi phải huy động cả nguồn xã hội hóa và nguồn hợp tác quốc tế.

Từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường) với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước. Chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hầu hết được tăng dần hàng năm.

Giai đoạn vừa qua đã thể hiện những bước tiến đáng kể trong việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Việt Nam đã thu hút hơn 50 dự án quốc tế về môi trường với tổng kinh phí lên tới hơn 819 triệu USD, hỗ trợ không chỉ ở cấp Trung ương mà còn ở nhiều địa phương. Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp một phần đáng kể trong việc huy động nguồn vốn tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho ngành.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đến nay, đã có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích. Một số lĩnh vực dịch vụ môi trường đã có sự phát triển mạnh như: thu gom, vận chuyển rác thải, cơ sở xử lý rác thải; thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại (kể cả chất thải y tế); xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ phân tán,…

PV: Quan điểm phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường đã được khẳng định song trên thực tế, lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường luôn có sự mâu thuẫn, giằng xé. Làm thế nào để hài hòa mối quan hệ  này trong tương lai phát triển kinh tế ở Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Xét trên quan điểm kinh tế hiện đại, kinh tế phát triển tốt có nghĩa là đã giải quyết đồng thời cả vấn đề xã hội và môi trường chứ không có mâu thuẫn. Mâu thuẫn này nảy sinh do việc lựa chọn mô hình phát triển. Và để giải quyết mâu thuẫn này, tất yếu chúng ta phải thực thi mô hình tăng trưởng tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm tài nguyên dựa trên việc không ngừng đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, đó cũng có thể là mô hình “tăng trưởng xanh” vốn đang là xu hướng chiến lược của nhiều quốc gia.

Xét về vấn đề quản lý môi trường, để thực hiện mô hình phát triển bền vững, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác ĐMC, ĐTM, xây dựng hàng rào kỹ thuật về môi trường, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, lựa chọn các công nghệ thân thiện môi trường, tăng cường thanh kiểm tra…

Đồng thời, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Quán triệt, vận dụng có hiệu quả và cụ thể hoá các nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Để việc bảo vệ môi trường thường xuyên, cần huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần chuyển đổi hành vi theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành ý thức bảo vệ môi trường của từng người dân và toàn xã hội.

Để giám sát chất lượng môi trường, cần xây dựng và triển khai dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia, hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, môi trường không khí tại các đô thị lớn, nước mặt tại các lưu vực sông chính, hệ thống giám sát, cảnh báo kịp thời ô nhiễm dầu trên biển. Bổ sung, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường, trọng tâm là các vùng, khu vực nhạy cảm, phát triển kinh tế - xã hội (lưu vực sông, vùng kinh tế trọng điểm).

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Dung (thực hiện)