Quản lý, tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/07/2017
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ TN&MT có TS.Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường cùng lãnh đạo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), đại diện các bộ ngành, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ.
Nghị định 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ quy định rõ về “Quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen” có kết cấu gồm 05 chương, 28 điều và Phụ lục gồm 09 mẫu văn bản có liên quan. Nghị định được ban hành nhằm nội luật hóa các quy định của Nghị định thư (NĐT) Nagoya về ABS (A: access – tiếp cận/ sử dụng, B: Benefit – lợi ích, S: sharing – chia sẻ) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014. Nghị định điều chỉnh hệ thống văn bản trong nước theo hướng phân công nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục những tồn tại hiện có và yêu cầu của thực tiễn về tiếp cận và sử dụng nguồn gen, góp phần đạt được mục tiêu về bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền của Luật Đa dạng sinh học.
Toàn cảnh Hội thảo |
Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – TS.Phạm Anh Cường cho biết: Hiện nay, trong quản lý ABS ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể là việc thiếu dữ liệu quốc gia về nguồn gen, nhận thức về quản lý nguồn gen còn hạn chế, hiểu biết về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và năng lực đàm phán và thực hiện thỏa thuận ABS còn hạn chế; khó khăn trong việc xác định chủ quyền, quyền sở hữu đối với nhiều nguồn gen và tri thức truyền thông liên quan. Sự thất thoát nguồn gen và mai một tri thức truyền thống ngày càng tiếp diễn và gia tăng.
Nghị định đã quy định rất rõ, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện NĐT Nagoya. Đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen, Nghị định quy định: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp; Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quốc gia chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH; tổ chức thực hiện các yêu cầu của Công ước ĐDSH, đang vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH, trong đó có nguồn gen. Bộ NN&PTNT là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối quản lý nhà nước về giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp theo quy định của các Luật và Pháp lệnh có liên quan.
Chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường khẳng định: Đây là cơ hội để các nhà quản lý nắm rõ hơn về Nghị định, quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Việc ban hành các văn bản mới góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp và nội luật hóa NĐT Nagoya, đây là yêu cầu cấp thiết sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Nghị định thư. Qua Hội thảo, ngành Tài nguyên và các Bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thiện các hạn chế, khó khăn thiếu sót trong giai đoạn tới.
Phương Linh