Đà Nẵng: Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/06/2017

(TN&MT) - Mặc dù ngành công nghiệp Đà Nẵng đang phát triển mạnh, thúc đẩy nền kinh tế của thành phố, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Tuy nhiên, song song với phát triển kinh tế, ngành công nghiệp cũng đang tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Để cân bằng hài hòa giữa hai vần đề phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, Đà Nẵng cần có định hướng đúng đắn trong phát triển các ngành công nghiệp.
Nước thải từ KCN công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian dài
Nước thải từ KCN công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian dài

Sức ép của phát triển công nghiệp lên môi trường

Bên cạnh những thành tựu tích cực của quá trình phát triển, ngành công nghiệp cũng là tác nhân chính tạo nên sức ép không nhỏ đối với vấn đề môi trường.

Mặc dù công tác kiểm soát, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường của TP. Đà Nẵng được đánh giá khá tốt so với mặt bằng chung cả nước nhưng lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn công nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất phát sinh hàng năm là rất lớn. Nếu lượng chất thải này không được xử lý triệt để thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Theo kết quả thanh tra của Bộ TN&MT (năm 2014), nước thải KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng còn chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dẫn đến nước thải sau xử lý có thời điểm vượt Quy chuẩn Việt Nam cho phép trước khi thải ra môi trường. Phần lớn chất thải rắn công nghiệp được các doanh nghiệp hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom, xử lý hoặc tự chôn lấp, một số chất thải có nguy cơ độc hại được bán lại cho các cơ sở tái chế không kiểm soát được. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho khu vực tập trung chất thải rắn công nghiệp và nguy hại. Không bố trí nơi chứa, không che chắn bãi chứa để chất thải thấm vào đất gây ô nhiễm...

Mặt khác, các ngành nghề công nghiệp ở Đà Nẵng rất đa dạng, phong phú, các sản phẩm tạo ra của các loại ngành nghề này phải tiêu thụ nhiều nguyên, nhiên liệu và tiêu tốn năng lượng. Trong khi đó, năng lượng của quá trình sản xuất là điện, xăng, dầu, than... thường gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ và phát thải khí nhà kính.

Công nghiệp cơ khí, luyện kim; công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản; công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp khai khoáng... đều là những ngành công nghiệp gây áp lực lớn lên môi trường. Trong khi tất cả các ngành công nghiệp này đều phát triển ở Đà Nẵng, một thành phố có diện tích nhỏ so với các tỉnh thành khác. Việc quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp ở Đà Nẵng còn một số điểm chưa thực sự hợp lý như: một số KCN nằm rất gần khu dân cư, KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang gần với khu vực phát triển du lịch, KCN Hòa Cầm gần nguồn cấp nước của thành phố, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ nằm trong khu dân cư nhưng thành phố  chưa hình thành thêm cụm công nghiệp (CCN) để từng bước di dời.

Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN được xây dựng nhưng năng lực xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ngành nghề, doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu vừa lãng phí tài nguyên của thành phố vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Đà Nẵng cần có định hướng đúng đắn để cân bằng giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường mới có thể phát triển bền vững
Đà Nẵng cần có định hướng đúng đắn để cân bằng giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường mới có thể phát triển bền vững

Tìm hướng đi bền vững cho công nghiệp

Môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề và tỷ lệ thuận với sự phát triển của sản xuất công nghiệp, tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm là quy luật xưa nay. Để phát triển ngành công nghiệp mà không gây ảnh hưởng tới tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh Đà Nẵng cần ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Để làm được điều đó, TP. Đà Nẵng cần phải phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung ưu tiên phát triển những ngành hàng và sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp sạch và giá trị gia tăng cao.

Phát triển và phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp phải dựa trên việc sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Kết hợp chặt chẽ các loại quy mô, loại hình sản xuất.  Đối với các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp truyền thống phải tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành. Các dự án mới đầu tư phải có quan điểm lựa chọn công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường.

Theo đó, đối với  công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin – viễn thông phải phát triển thành một ngành kinh tế quan trọng với tốc độ tăng trưởng cao. Ngành công nghiệp phần cứng tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử, điện lạnh, thiết bị điện, công nghệ thông tin và viễn thông. Công nghiệp phần mềm hướng vào xuất khẩu, phục vụ cả nước.

Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm theo hướng đa dạng hóa sản phẩm với trọng tâm là chế biến hải sản hướng vào xuất khẩu. Đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các mặt hàng phù hợp với yêu cầu thị trường; giảm sản phẩm sơ chế, tăng sản phẩm tinh chế, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.  Chú trọng sản xuất cơ khí, thay thế nhập khẩu và từng bước hướng tới xuất khẩu. Xây dựng và phát triển các nhà máy chế tạo kết cấu định hình và đặc thù cho các KCN. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm có công nghệ sản xuất sạch, giá trị gia tăng cao như dược phẩm, mỹ phẩm cao cấp.

Sản xuất công nghiệp - Môi trường là hai mặt của vấn đề không thể tách rời nhau. Chính vì thế, định hướng đúng đắn, sẽ làm nền tảng để đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa phát triển công nghiệp với vấn đề môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nên kinh tế quốc tế như hiện nay.

Bài & ảnh:Yến Nhi