Quốc lộ 21B ngập trong rác thải sinh hoạt
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/06/2017
Rác bủa vây quốc lộ
Quốc lộ 21B là một tuyến đường quan trọng kết nối các đô thị lớn như: Hà Đông - Phủ Lý - Nam Định - Phát Diệm - Tam Điệp. Tuy nhiên thời gian qua, những bãi tập kết rác thải sinh hoạt đua nhau mọc lên ven đường quốc lộ này, chạy dọc từ ngã 3 Ba La (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) tới thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) khiến cho người tham gia giao thông và người dân sống quanh khu vực hết sức bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo TN&MT, dọc tuyến quốc lộ chạy qua hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa (TP. Hà Nội) có nhiều bãi tập kết rác lớn như: bãi tập kết ở gần khu công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai); bãi tập kết rác gần cầu Xà Kiều (huyện Ứng Hòa) ... Đó là chưa kể tới hàng chục bãi rác tự phát khác cũng đua nhau mọc lên hai bên ven đường quốc lộ.
Một điểm tập kết rác lớn ở gần khu công nghiệp Thanh Oai, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội |
Đối với những điểm tập kết rác lớn, hàng ngày các xe công nông, xe chở rác nhỏ thu gom rác từ khắp các nơi về tập trung ở đây để xe chuyện dụng vận chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà rác bị ùn ứ, chất thành những đống lớn để lưu cữu trong thời gian dài. Trong khi đó, mùi xú uế khó chịu bốc lên làm ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân quanh khu vực cũng như người tham gia giao thông.
Chưa kể, do lượng rác tồn đọng nhiều nên các xe chở rác nhiều khi phải xếp hàng để đợi chuyển rác lên xe chuyên dụng. Việc làm này không chỉ lấn chiếm lòng đường mà còn làm mất an toàn giao thông. Điều đáng nói là hầu hết các điểm tập kết rác đều nằm sát ngay đường quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông nhưng không hiểu sao, bao năm qua tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra mà các cơ quan hữu quan vẫn phó mặc không biết? Nhất là khi các xe chuyên dụng vào vận chuyển rác, do bãi rác nằm sát đường quốc lộ nên hay gây ra hiện tượng ùn tắc, thậm chí va quệt với những phương tiện tham gia giao thông khác.
Đầu tháng 1/2017 vừa qua, cũng vì người dân thôn Xà Kiều (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường mà người dân thôn Quảng Nguyên ở cùng xã đã đổ rác, phế liệu ngang quốc lộ 21B và chặn không cho các phương tiện di chuyển qua lại để phản đối việc đốt rác này. Vụ việc khiến quốc lộ 21B ùn tắc kéo dài 3km.
Như vậy, rác thải ven quốc lộ 21B thực sự trở thành một vấn đề gây bức xúc trong dư luận nhân dân trong thời gian qua. Hình ảnh những điểm tập kết rác lớn cũng như điểm tập kết rác tự phát chạy dọc tuyến quốc lộ không chỉ làm hình ảnh con đường trở nên xấu xí mà quan trọng hơn, nó làm mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm xấu đi hình ảnh Thủ đô văn minh, sạch sẽ. Ấy nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các cơ quan hữu quan có vẻ như vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào thấu đáo nhằm giải quyết tình trạng này.
Thiếu tiền hay thiếu ý thức?
Để làm rõ thông tin, PV báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Tuấn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I, Hà Tây – đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 21B. Ông Minh cho biết: “Từ đầu năm 2017 cho tới nay, có nhiều điểm tập kết rác bị ùn ứ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Chúng tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra và có văn bản gửi các cơ quan hữu quan để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên đơn vị của chúng tôi chỉ quản lý lòng đường và mặt đường quốc lộ 21B. Còn trách nhiệm xử lý vấn đề rác thải được phân cấp về các huyện có tuyến đường chạy qua. Thông thường các huyện sẽ ký kết với một công ty môi trường nào đó để xử lý. Có thể từ đầu năm 2017, do nguồn kinh phí bị hạn chế nên việc xử lý rác bị chậm trễ theo”.
Người qua đường phải bịt mũi mỗi khi đi qua những điểm tập kết rác tự phát thế này |
Ông Phạm Vũ Hùng, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I, Hà Tây cho biết thêm: “Vấn đề rác thải dọc tuyến quốc lộ 21B khiến chúng tôi rất đau đầu. Thứ nhất, trên 90% các điểm tập kết được xây dựng trên hành lang an toàn giao thông tuyến quốc lộ. Đi kèm với đó là tình trạng lấn chiếm lòng đường của rác, của xe chở rác gây ùn tắc, va chạm giao thông. Đây là thực tế mà chúng tôi đã ghi nhận được. Hơn nữa, tất cả những điểm tập kết này đều xây dựng không có phép, gần như là tự phát. Thứ hai, việc đốt rác thải tràn làn dọc tuyến quốc lộ không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm hư hỏng các biển báo giao thông. Tất cả những vấn đề này, chúng tôi đều gửi báo cáo lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và gửi tới các huyện để thông tin và đề nghị phối hợp. Tuy nhiên hiệu quả xử lý chưa cao”.
Lý giải nguyên nhân việc xử lý vấn đề nêu trên chưa hiệu quả, ông Hùng cho rằng là do việc quản lý chồng chéo. “Trên tuyến quốc lộ 21B hiện nay, chúng tôi là đơn vị quản lý lòng đường và mặt đường. Hệ thống thoát nước do Sở Xây dựng quản lý. Vấn đề môi trường thì được giao về các huyện có tuyến đường chạy qua. Thành ra mỗi đơn vị quản lý một mảng nên khi có sự việc xảy ra, việc xử lý thường bị chậm trễ”.
Như vậy là, sự cộng hưởng ba yếu tố: ý thức xả rác bừa bãi của người dân; kinh phí vận chuyển, xử lý rác eo hẹp; sự chồng chéo về mặt quản lý nhà nước đã khiến cho tuyến quốc lộ 21B trở thành con đường rác đúng nghĩa. Để giải quyết vấn đề gây bức xúc nêu trên, đề nghị các cấp chính quyền của TP. Hà Nội sớm vào cuộc để tìm ra những giải pháp phù hợp, giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Phạm Thiệu