Khắc phục hiện tượng sụt lún tại Nam Bộ: Cần hành động ngay!

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2017

(TN&MT) - Hiện tượng sụt lún bề mặt từ 5 – 10cm trên diện rộng đang tiếp tục diễn ra tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. Nguyên nhân chính được xác định là do suy giảm áp lực của nguồn nước ngầm vì khai thác quá mức.

Theo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, kết quả quan trắc lún ở một số thành phố lớn và ĐBSCL năm 2015 đã phát hiện hơn 70% số điểm mốc độ cao bị lún từ 5cm trở lên so với thời điểm năm 2005, trong số đó, số mốc bị lún trên 10 cm chiếm hơn 20%. Hiện tượng lún cục bộ với độ lún lớn hơn 10 cm xảy ra ở hầu hết các tỉnh trong khu vực như huyện Bình Chánh (TP. HCM), TP. Cà Mau, TP. Bạc Liêu, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thị xã Tắc Cái và thị xã Vĩnh Thuận (Kiên Giang).

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án “Rise and Fall” vừa được công bố, vùng ĐBSCL đang lún từ 1 - 3 cm mỗi năm và tốc độ đang ngày càng tăng, từ 2 - 4 cm/năm, đặc biệt là ở các vùng đất thấp ven bờ biển như tỉnh Cà Mau. Các nhà khoa học đến từ ĐH Utrecht, Viện nghiên cứu Deltares Hà Lan phối hợp với Đại học Cần Thơ, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã nghiên cứu mức độ sụt lún tại nhiều địa điểm và khẳng định, ĐBSCL từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng chỉ trong vòng 25 năm. Cùng là nguy cơ “âm thầm”, nhưng tốc độ sụt lún cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng chỉ vài milimet mỗi năm.

Theo ông Philip Minderhoud, Trưởng nhóm chuyên gia của Dự án: Tại một số điểm, nền đất đã lún từ 25 – 30 cm. Hiện, vùng đồng bằng chỉ còn cao hơn mực nước biển từ 1 – 2 m. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ biển làm mất diện tích đất canh tác nông nghiệp, gây ra các tác động tiêu cực đến hệ thống các công trình và cơ sở hạ tầng.

Hiện tượng sụt lún bề mặt trên diện rộng tiếp tục diễn ra tại các tỉnh khu vực Nam Bộ. Ảnh: MH
Hiện tượng sụt lún bề mặt trên diện rộng tiếp tục diễn ra tại các tỉnh khu vực Nam Bộ. Ảnh: MH

Dựa trên các số liệu địa chất, địa kỹ thuật, trữ lượng nước ngầm và có so sánh, đối chiếu với các số liệu từ vệ tinh, nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là việc khai thác nước ngầm trên quy mô lớn, gây cạn kiệt và giảm lực đỡ của tầng nước dưới đất đối với bề mặt. Ông Gilles Erkens, chuyên gia của Viện nghiên cứu Deltares cho biết: Bên cạnh việc khai thác nước ngầm từ các tầng sâu, các nguyên nhân khác như nền đất bị nén do sức nặng từ các công trình và việc các tầng nước ngầm đang dần hạ thấp; bê tông hóa bề mặt trong quá trình đô thị hóa đã làm tăng diện tích bề mặt không thấm, ngăn quá trình thấm từ trên xuống tầng chứa nước.

Để hạn chế sụt lún, việc nên làm là hạn chế khai thác nước ngầm và tái cấp nước cho tầng ngầm. Tại các hội thảo về vấn đề này, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp như: cấp phép và đánh thuế sử dụng nước ngầm; quy hoạch và xác định những vùng cấm khai thác nước ngầm; đầu tư hệ thống cấp nước, tái xử lý nước thải, bổ cập nguồn nước nhân tạo ở những khu vực phù hợp; thực hiện chương trình ngăn chặn sụt lún trên phạm vi quốc gia, vùng và kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện chương trình này; xây dựng các đập, kênh, hồ chứa để trữ và cung cấp nguồn nước ngọt khi cần thiết…

Đối với khu vực đô thị như TP. HCM, không phát triển đô thị trên vùng đất yếu, có địa hình thấp (dưới 2 m); triệt để phân vùng cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất. Song song với đó, thành phố nên nghiên cứu biện pháp cụ thể bổ cập nước mưa cho từng tầng chứa nước, hồ điều tiết, thay vì để nước mưa tràn lan trên mặt đất gây ngập.

Một số vấn đề có tính chiến lược về quản lý bền vững được đưa ra, đó là phát triển nông nghiệp bền vững ở các vùng cửa sông, vùng bán đảo; tăng cường nghiên cứu, xác định những tầng nước dưới đất bị khai thác quá mức để có phương cách hạn chế, ngăn chặn khai thác; bảo vệ các vùng biển ven bờ. Nên đưa các vấn đề về sự thay đổi của nguồn nước nhạt hiện có, tình trạng xâm nhập mặn và tình trạng sụt lún đất của ĐBSCL vào các chương trình hành động của Chính phủ; tăng cường quan trắc chất lượng nước mặt và nước dưới đất cũng như công tác quan trắc việc khai thác và sử dụng nước dưới đất và tốc độ sụt lún; qua đó, từng bước hoàn thiện các mô hình toán dự báo và đề xuất các chủ trương về quản lý nguồn nước bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Qua khảo sát, đánh giá toàn tuyến bờ biển Tây, tổng chiều dài sạt lở khoảng 40 km. Nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, sóng biển cường độ mạnh đánh trực tiếp vào chân đê gây sạt lở. Một số đoạn khác trước nguy cơ tiếp tục sạt lở, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão với nhiều sóng to, gió lớn.”

Mặc dù vậy, các dự án đầu tư nâng cấp, phòng chống sạt lở bờ biển, đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chậm triển khai, gần như còn ở điểm xuất phát thấp. Trong khi đó, ngân sách của địa phương hạn chế, không khả năng đầu tư ngăn sạt lở do nguồn vốn quá lớn.

Tỉnh chỉ mới thực hiện thí điểm Dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng phòng hộ ven biển, phòng chống sạt lở tại xã Bình Giang (Hòn Đất) bước đầu mang lại hiệu quả; đầu tư gần 1 tỷ đồng khắc phục sạt lở đoạn bờ biển từ vàm Tiểu Dừa đến vàm Kim Quy thuộc địa bàn huyện An Minh.

Khánh Ly