Những người thầm lặng ở Trường Sa

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/06/2017

(TN&MT) - Thuộc Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, Trạm khí tượng hải văn Trường Sa là một địa chỉ đặc biệt. 

 

(TN&MT) - Thuộc Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, Trạm khí tượng hải văn Trường Sa là một địa chỉ đặc biệt. Nói đặc biệt bởi trạm nằm trên một khu vực quan trọng, là nơi phát đi những thông số khí tượng hải văn để cảnh báo cho bà con ngư dân đánh bắt thủy sản trên vùng biển Trường Sa cũng như tàu thuyền qua lại. 

Trạm trưởng Mai Phương Nam bên trái) cùng quan trắc viên Nguyễn Sao Trương
Trạm trưởng Mai Phương Nam bên trái) cùng quan trắc viên Nguyễn Sao Trương

Tôi gặp trạm trưởng Mai Phương Nam ngay tại trụ sở làm việc trên đảo Trường Sa lớn. 

Mới ngoài 30 tuổi, nhưng Nam đã là một trong những cán bộ kỳ cựu của trạm. Hơn 7 năm gắn bó với ngành khí tượng thì có đến 4 năm Nam công tác tại đảo xa. 2 năm ở Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây, rồi quay về đất liền học, cưới vợ. Mới đón đứa con đầu lòng Nam lại nhận nhiệm vụ ra Trạm khí tượng hải văn Trường Sa, nay được hơn 2 năm.

Hai vợ chồng Nam cùng làm ở Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ. Nam bảo, xa nhà cả năm trời cũng buồn lắm chứ anh. Con còn nhỏ, một mình gia đình ở đất liền đều nhờ tay vợ. Cũng may chúng em cùng nghề nên chia sẻ được cho nhau.

Trạm khí tượng hải văn Trường Sa có 6 người, tất cả đều còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất sinh năm 1982, trẻ nhất là Nguyễn Sao Trương, năm nay mới 23 tuổi, ra Trường Sa được gần 1 năm.

Quan trắc viên Nguyễn Sao Trương ghi thông số khí tượng.
Quan trắc viên Nguyễn Sao Trương ghi thông số khí tượng.

Nam tâm sự: Chúng em xác định, đảm nhận vai trò ghi nhận, phân tích, truyền thông tin, dữ liệu khí tượng, hải văn về đất liền là một trọng trách to lớn. Chỉ một sai số nhỏ cũng sẽ đưa đến những nhận định thời tiết khó lường. Đó là sinh mệnh, là sinh kế của bao bà con ngư dân bám biển. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh quốc phòng... Tất cả những điều đó luôn được anh em quán triệt với tinh thần cao nhất. 

Xác định nhận nhiệm vụ khó khăn, nên những cán bộ, quan trắc viên của Trạm khí tượng hải văn Trường Sa luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, bổ trợ kinh nghiệm cho nhau. Trong số 6 người thì 3 anh đã lập gia đình riêng. "Chúng em coi nhau như một gia đình. Cũng đều hoàn cảnh công tác xa nhà, nên thấu hiểu, cùng giúp đỡ nhau" - Nam bảo. 

Khó khăn nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt vào mùa khô. Mưa ít, lượng nước mưa dự trữ cũng cạn nên anh em phải sử dụng tiết kiệm. Nước mưa sau sử dụng dành để tưới rau.

Vườn rau của Trạm khí tượng hải văn luôn xanh tốt.
Vườn rau của Trạm khí tượng hải văn luôn xanh tốt.

Ngoài công tác chuyên môn, tập thể nhỏ 6 người ở Trạm khí tượng hải văn Trường Sa còn tranh thủ thời gian tăng gia cải thiện. Những luống rau được họ trồng bên cạnh vườn quan trắc là nguồn bổ xung rau xanh quan trọng cho anh em của trạm. Dẫn tôi xem những vườn rau xanh tốt, Trương cười vui bảo, "chúng em không chỉ khô khan với những con số mà còn tăng gia sản xuất không tồi, phải không anh"(?!)

"Anh biết không, thời tiết ở đây thất thường, luống rau này hôm nay xanh tốt, ngày mai có thể héo nhanh nếu không kịp che chắn khi có gió" - Trương nói trong niềm phấn khởi.

Còn thật nhiều câu chuyện cảm động rất đời thường nhưng dung dị của những người âm thầm đo đếm số liệu quan trắc ở Trạm khí tượng hải văn Trường Sa mà tôi không thể kể hết. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những hy sinh thầm lặng của họ đang từng giờ góp phần giữ vững vùng biển đảo của Tổ quốc, để những chuyến khơi xa của ngư dân bám biển lưới nặng đầy khoang, để hải trình của những chuyến tàu ngược xuôi luôn bình an.

Bài & ảnh: Ngọc Lý