Kính thiên văn tự chế

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/06/2017

(TN&MT) - Em Đặng Hoàng San (học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Quốc học Huế - TP. Huế) đã tự chế tạo kính thiên văn giành cho riêng mình, qua đó dùng để khám phá các hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên.
Hoàng San bên chiếc kính đầu tiên của mình
Hoàng San bên chiếc kính đầu tiên của mình

Vốn là người đam mê thiên văn học, từ nhỏ San đã muốn sở hữu một chiếc kính viễn vọng khúc xạ để ngắm bầu trời, ngắm những vì sao và những hiện tượng kỳ thú trên Trái đất. Nhưng San thấy một chiếc kính viễn vọng trên thị trường có giá hàng chục triệu đồng, đó là một số tiền quá lớn đối với một học sinh như San.

Không muốn chờ đợi “phép màu” từ đâu đó, San đã tích góp tiền ăn sáng, tiền lì xì dịp Tết để có kinh phí. Mất khoảng 2 năm, San dành dụm được gần 4 triệu đồng. Sau đó, San mất hơn 6 tháng nữa để tìm tòi các kiến thức về những loại kính, rồi bắt tay vào việc chế tạo.

Các vật liệu em sử dụng để lắp đặt kính khá đơn giản, dễ tìm thấy ở các quán bán dụng cụ học tập và đồ điện; giá thành cũng rẻ với túi tiền của San. Đó là thân ống kính làm bằng các ống nhựa PVC, các loại kính kích cỡ khác nhau được sắp đặt thích hợp ở 2 đầu của chiếc kính viễn vọng khúc xạ và các thanh sắt làm giá đỡ cho kính.

Vì là học sinh nên San cũng có ít thời gian rảnh. San cho hay mỗi ngày em thường lên mạng để xem cách người khác làm rồi làm theo.

Niềm đam mê khiến San tạo ra nhiều chiếc kính độc đáo để khám phá bầu trời
Niềm đam mê khiến San tạo ra nhiều chiếc kính độc đáo để khám phá bầu trời

Theo San, việc áp dụng từ kiến thức lý thuyết đến thực tế để tạo ra một chiếc kính là rất khó khăn. Em phải chọn đúng loại kính và cách sắp xếp, dán các tấm kính lên khung cũng phải đúng quy cách. Việc ghép các ống nhựa thì không hề dễ khi lắp ráp sao cho không để ánh sáng lọt vào gây mờ hình ảnh. Với khung kính, San đã dùng lưỡi cưa nhỏ để cưa các ống ra rồi tạo thành giá đỡ làm sao để phù hợp với chiều dài của kính và chiều cao trung bình là khoảng trên 1m.

Nắm được nguyên lý khúc xạ ánh sáng nên San sắp xếp các kính vào hai đầu rồi cho các tấm kính nhỏ vào thân để tạo ra sự va chạm ánh sáng. Ống nhòm được San thiết kế gồm các ống kính nhỏ có bán kính khoảng 2cm.

Cuối cùng sau nhiều tháng miệt mài, San đã tạo ra chiếc kính thiên văn đầu tiên cho riêng mình. Chiếc kính có thể quan sát được bề mặt của Mặt Trăng, với chi phí chỉ hơn 2,4 triệu đồng.

‘‘Lần đầu thử nghiệm thì em nhìn vào ống kính thấy được từng hố miệng núi lửa trên bề ngoài Mặt Trăng, em đã la hét và nhảy cỡn lên vì quá sung sướng...”- San cười tươi và kể lại.

Một buổi gặp gỡ của CLB Thiên văn Huế
Một buổi gặp gỡ của CLB Thiên văn Huế

Ông Đặng Nguyễn Sơn (cha của San) tâm sự: “Nửa đêm tôi tỉnh giấc thì thấy cửa phòng cháu vẫn mở, tối cứ tưởng trộm đột nhập. Té ra cháu hay ra sân thấy để quan sát bầu trời, rồi thức đêm sáng tạo chiếc kính. Tôi cũng lo cho sức khỏe của nó nhưng thấy con đam mê nên mình cũng tạo điều kiện để con làm...”.

Từ khi hoàn thành chiếc kính đầu tiên cho đến nay, San đã nhiều lần chế tạo kính và hiện đã có hơn 10 loại kính thiên văn trong tay.

Không chỉ tự chế tạo ra kính, vào năm 2013, San còn đứng ra thành lập câu lạc bộ (CLB) thiên văn với tên gọi HAC (Hue Atronomy Club); với mong muốn có thể tập hợp được các bạn yêu thiên văn cùng nghiên cứu về những hiện tượng thú vị xảy ra trên Trái đất; đồng thời vừa là một sân chơi bổ ích và phục vụ cho việc quan sát cũng như nghiên cứu thiên văn. Đến nay, CLB đã quy tụ hơn 50 thành viên. Đó đa số là những bạn học sinh, sinh viên ở các trường học tại TP. Huế.

CLB thường sinh hoạt mỗi tháng hai lần, cùng nhau gặp gỡ, thảo luận, truyền kinh nghiệm cho nhau trong việc chế tạo kính cũng nhưnhững kiến thức về thiên văn. Vào những dịp như nhật thưc, nguyệt thực...; các thành viên thường tổ chức offline ở nhiều địa điểm như đồi Ngọc Linh, tượng đài Quang Trung, biển Thuận An...

“Hiện tại CLB chúng mình đang tự mở lớp tập huấn kiến thức về thiên văn cho nhiều người đam mê, để có thể mở rộng vốn hiểu biết về thiên văn cho mọi người”, San bộc bạch thêm.

Thế Anh