"Nước ảo" - Giá trị thật

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/04/2017

(TN&MT) - Theo thời gian, nước được xem như hàng hóa đặc biệt trong quá trình trao đổi, buôn bán. Việc “trao đổi, buôn bán” các loại hàng hóa chứa đựng nước để sản xuất ra hàng hóa đó và đó chính là “nước ảo”.

Với Việt Nam, một quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH làm khô hạn ngày một gia tăng, nguồn nước mặt lại phụ thuộc nhiều vào các con sông bắt nguồn từ các quốc gia lân cận,  việc xác định “nước ảo” nhằm quản lý và khai thác hiệu quả nguồn nước là một hướng tiếp cận mới cần được áp dụng, thực thi.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng xuất nước ảo trong sản xuất lúa. Ảnh: MH
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng xuất nước ảo trong sản xuất lúa. Ảnh: MH

Hơn một thập kỷ để công nhận khái niệm “nước ảo”

“Nước ảo” (virtual WFater-VWF) và “buôn bán nước ảo” (virtual WFater trade-VWFT) là khái niệm đã được nhắc đến trong khoảng thập kỷ nay do giáo sư John Anthony Allan (Kings College London và School of Oriental and African Studies) đưa ra. Những hiểu biết về nước ảo còn khá mới và lạ lẫm, đặc biệt trong lĩnh vực trong quản lý tài nguyên nước. Phải mất gần một thập kỷ để thế giới công nhận tầm quan trọng của khái niệm này trong vấn đề an ninh nguồn nước trên toàn thế giới. Với sự đóng góp của mình, John Anthony Allan được nhận Giải thưởng Stockholm về nước năm 2008.

Nắm bắt xu hướng mới này, ngay từ năm 2010, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường - Bộ TN&MT đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương pháp và áp dụng thử nghiệm tính toán lượng nước ảo của Việt Nam” và đây chính là nghiên cứu đầu tiên về nước ảo một cách có hệ thống ở Việt Nam. Nghiên cứu đã tính toán đánh giá lượng nước ảo để sản xuất ra 1kg gạo trắng, 1 kg ngô hạt và 1 kg cà phê hạt tại 7 vùng kinh tế của Việt Nam, đồng thời, đưa ra những tính toán định lượng về dòng buôn bán nước ảo giữa các vùng.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã đánh giá sơ bộ tình hình sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp của các vùng thuộc Việt Nam, tính toán mức căng thẳng về nguồn nước khi có xét đến nước ảo tại 7 vùng kinh tế. Trên cơ sở những hiểu biết ban đầu về quản lý tài nguyên nước theo khái niệm “nước ảo”, mới đây, Viện lại tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề này trên quan điểm nước ảo đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu, nhằm bổ sung những vấn đề mà đề tài trước chưa thực hiện và có thể áp dụng điều chỉnh cơ cấu cây trồng trước ảnh hưởng của khô hạn gia tăng.

Lần đầu tiên lượng hóa được việc tiêu dùng nước

Sau 2 năm nghiên cứu, Đề tài đã tính toán lượng “nước ảo” hay lượng nước cần để sản xuất ra lúa gạo và nông sản chính tại các vùng ở Việt Nam mà chưa có một tính toán cụ thể, tính hệ thống nào từ trước đến nay đưa ra được. Kết quả tính toán của đề tài cho biết lượng nước cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. Ví như để sản xuất ra 1 tấn gạo trắng trung bình cần từ 900 đến 2.600 m3 nước; sản xuất ra 1 tấn ngô hạt cần 600 - 1.500 m3 nước;  sản xuất ra 1 tấn cà phê hạt cần 7.400 - 18.000 m3 nước; Để sản xuất ra 1 tấn đường cần 2.600 - 7.000 m3 nước.

Với các sản phẩm chăn nuôi: để sản xuất 1 tấn thịt lợn cần hơi cần 4.951 m3 nước, 1 tấn thịt bò hơi cần 9.401 m3 nước, 1 tấn thịt gà cần 5.732 m3 nước, 1 tấn sữa cần 962 m3 nước, 1.000 quả trứng cần 303 m3 nước; Sản phẩm thủy sản để sản xuất 1 tấn cá tra cần 23.222 m3 nước.

Tính toán cũng cho thấy, hàng năm, Việt Nam trung bình nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ m3 nước thông qua nhập khẩu ngô và xuất khẩu 7 - 11,5 tỷ m3 nước thông qua xuất khẩu gạo và 7,2 tỷ m3 nước thông qua xuất khẩu cà phê.

Các nhà khoa học cũng xác định vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng xuất nước ảo trong sản xuất lúa và nhập nước ảo trong sản xuất ngô và cà phê. Trong khi đó, các vùng như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Trung du miền núi phía Bắc là các vùng nhập nước ảo trong lúa và xuất nước ảo trong sản xuất ngô.

 So sánh lượng nước nội địa sử dụng cho chăn nuôi và trồng trọt cho thấy chênh lệch sử dụng nước giữa 2 ngành rất lớn. Tổng lượng nước sử dụng trong chăn nuôi chỉ bằng 1/3 so với trồng trọt. Nếu không kể chăn nuôi cá tra, lượng nước dùng trong chăn nuôi chỉ bằng 1/4 so với trồng trọt. Tiềm năng chăn nuôi của nước ta còn rất lớn nhưng hiện nay chưa được chú trọng đúng mức.

Từ các kết quả nghiên cứu được, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết để chuyển đổi cơ cấu sử dụng nước và minh chứng về tính hiệu quả của việc chuyển đổi. Như vùng Đông Nam Bộ có thể chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác, do vùng này có năng suất lúa thấp dẫn đến lượng nước sử dụng để sản xuất lúa gạo cao. Với vùng Nam Trung Bộ, mặc dù, hệ số căng thẳng nước toàn vùng ở mức thấp cũng như chỉ số khan hiếm nước trong mùa cạn chưa vượt quá 20%, nhưng phân bố nguồn nước nội vùng không đồng đều khiến một số vùng như Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm nước trầm trọng. Do đó, đề tài đề xuất chuyển đổi diện tích trồng lúa sang diện tích trồng cỏ chăn nuôi bò. Tây Nguyên là vùng có điều kiện thích hợp cho chăn nuôi gia súc lớn, đề tài cũng đề xuất chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

ĐBSCL lượng nước sử dụng để sản xuất ở giảm đáng kể sau chuyển đổi cơ cấu sử dụng (khoảng 900 triệu m3/năm). Tuy vậy, lượng nước ảo tiêu dùng nội vùng lại có xu hướng tăng do việc gia tăng nhập khẩu gạo từ vùng ĐBSCL có dấu ấn nước ảo sản xuất lúa gạo cao hơn so với vùng Đông Nam Bộ. Xét toàn vùng cho thấy lượng nước ảo tiêu dùng trong nội vùng đã gia tăng 179 triệu m3. Gia tăng tiêu dùng nước ảo nội 2 tỉnh gia tăng tương ứng là 6 triệu m3. Riêng vùng Tây Nguyên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp giảm lượng nước ảo tiêu dùng nội địa 64 triệu m3 do chênh lệch sử dụng nước sản xuất lúa gạo giữa Tây Nguyên và ĐBSCL.

Dẫu là những nghiên cứu bước đầu về phương pháp quản lý mới tài nguyên nước song những kết quả này sẽ rất hữu ích ở tầm vĩ mô của bài toán phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Bài toán xây dựng kế hoạch sử dụng nước từ đó mang lại lợi ích về kinh tế xã hội mà không gây áp lực căng thẳng lên nguồn nước “lượng nước thực được trao đổi thông qua sản phẩm xuất nhập khẩu - chứa nước ảo” và nó sẽ càng hữu ích khi biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ đã tác động tới các thủy hệ, làm tăng sự thay đổi phức tạp và nghiêm trọng liên quan tới nguồn nước, nhiều vùng thiếu, cạn kiệt nước trên lãnh thổ Việt Nam.

Minh Thư