Ô nhiễm do khai thác khoáng sản ở Hà Giang: Bao giờ chấm dứt?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/04/2017

(TN&MT) - Tại Hà Giang, hàng loạt địa điểm mỏ khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa được khắc phục, xử lý.

Đỉnh điểm của những bức bối do khai thác khoáng sản tạo ra là việc xô xát giữa người dân và đơn vị khai thác khoáng sản mangan ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên. Theo lời người dẫn đường đưa chúng tôi đến khu mỏ, đây là sự việc xảy ra giữa công nhân của Công ty TNHH Ban Mai, đơn vị được giao khai thác khoáng sản tại khu vực này và người dân bản địa.

Xe chở quặng sắt mỗi ngày ở điểm mỏ Sàng Thần
Xe chở quặng sắt mỗi ngày ở điểm mỏ Sàng Thần "băm nát" đường giao thông

Theo ông Bế Văn Cương - Trưởng thôn Ngọc Thượng (xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), nguyên nhân của vụ việc trên là do người dân không đồng ý với hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Ban Mai. Hoạt động khai thác này khiến đất đá, bùn, sỏi, dầu máy móc… tràn xuống suối, hồ, đồng ruộng làm ảnh hưởng tới hoa màu.

Đặc biệt, nguồn nước suối từ xưa đến nay vốn được người dân thôn Ngọc Thượng sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt chính. Nhưng nay, bà con lấy nước về không ai dám uống nữa vì lo lắng trong nước có nhiễm độc. Một vài năm trở lại đây, tỷ lệ người trong thôn đột ngột qua đời ở độ tuổi 40 – 50 khá nhiều, khiến nghi vấn trong nước có nhiễm.

Tại điểm mỏ khai thác quặng sắt Sàng Thần, nằm trên địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, chúng tôi chứng kiến sự tàn phá môi trường ghê gớm. Hiện rõ là con đường lên mỏ lầy lội, nham nhở – hệ quả từ những chiếc xe công-ten-nơ nối đuôi nhau chở quặng.

Ông Hoàng Văn Thuận, Phó Chủ tịch xã Minh Sơn được biết, hiện nay, trên địa bàn xã Minh Sơn có 2 công ty được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản ở một số điểm mỏ khác nhau. Tuy vậy, hiện, chỉ có mỏ khai thác sắt Sàng Thần của Công ty Cổ phần Khoáng sản An Thông đang hoạt động.

Ông Vàng Kén (thôn Pù Kẹt, xã Minh Sơn) than thở: Trời nắng thì khói bụi khiến cho cỏ, đồng ruộng hai bên đường cháy táp hết, lúa lép không trổ bông, hoa màu mất mùa... Sau mỗi trận mưa, nước suối lại đục hơn, đến nay không còn con cá nào sống được.

Trao đổi với ông Trần Đình Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản An Thông được biết, hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến môi trường. Công ty sẽ có trách nhiệm phục hồi môi trường, trồng rừng thay thế và sẽ hoàn thổ lại diện tích mỏ khai thác sau khi kết thúc hợp đồng cho địa phương. Xã đã yêu cầu phía Công ty An Thông có trách nhiệm xây tường bao, rửa đường, lắp kính chống ồn tại những điểm trường học gần đường, nhưng đến nay mới thực hiện được ở một điểm trường.

Ông Hoàng Văn Thuận khẳng định, nếu trên địa bàn xã liền lúc có nhiều điểm mỏ hoạt động thì người dân không thể nào sống nổi, môi trường cũng không được đảm bảo. Cho dù xã và người dân đã kiến nghị lên tỉnh nhiều lần là không cấp phép cho nhiều doanh nghiệp cùng khai thác khoáng sản một lúc trên địa bàn xã song những kiến nghị của địa phương luôn “rơi vào im lặng”.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, ông Bùi Minh Tân, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bắc Mê cho rằng, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện cần triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, hạn chế tối đa những tác động xấu tới môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc quy định trồng rừng thay thế và các quy định về phục hồi môi trường theo đúng Luật Bảo vệ môi trường. Việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp cần thiết phải có sự tham gia của người dân bản địa và chính quyền địa phương.

Vũ Vân