Gánh nặng di dân do BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 13/04/2017

(TN&MT) - Nhu cầu di cư do ảnh hưởng của BĐKH đang tăng lên trong những năm gần đây, đòi hỏi các chương trình tái định cư của Chính phủ cần được cải thiện, đặc biệt là tăng khả năng đáp ứng sinh kế cho người dân.

Xu hướng di cư do BĐKH

Ở Việt Nam, các điều kiện môi trường khắc nghiệt gây ảnh hưởng rõ rệt lên xu hướng di cư trong nước. Giai đoạn 2008 – 2015, hơn 2 triệu người phải rời khỏi chỗ ở tạm thời hay vĩnh viễn do thiên tai. Nhu cầu di cư đang gia tăng nhanh chóng tại các địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sạt lở bờ sông. Ảnh: MH
Sạt lở bờ sông. Ảnh: MH

Mới đây, vào cuối tháng 3, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh cần phải di dời khẩn cấp 8.700 hộ/13.800 hộ dân sống ven biển, ven sông do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh có 87 cửa sông ăn thông ra biển đang bị sạt lở, triều cường dâng cao gây mất diện tích rừng phòng hộ và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã xây dựng 17 cụm tuyến dân cư nhưng chỉ mới bố trí được 370 hộ dân vào ở. Chính vì vậy, tỉnh đang kiến nghị Bộ NN&PTNT bố trí vốn, hỗ trợ quy hoạch để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong thời gian tới, đồng thời, tạo sinh kế cho người dân tại nơi ở mới.

Một địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long là Vĩnh Long cũng đang áp dụng di cư các hộ dân trong vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH. Trong 2 năm 2015 - 2016, tỉnh đã di dời 126 hộ với 504 nhân khẩu, trong đó, 81 hộ tập trung vào cụm tuyến dân cư.

Theo nghiên cứu mới nhất về di cư tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Tổ chức Di cư thế giới, nhóm hộ dân di cư thường có thu nhập thấp (dưới 3 triệu đồng/tháng). Thực tế, nhóm hộ này không có nhà cửa vững chãi, thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và có nguy cơ sẽ mất nơi ở khi xảy ra thiên tai.

Các chương trình tái định cư khu vực ĐBSCL chủ yếu liên quan đến hiện tượng xói lở bờ sông, bão biển và sạt lở đất chứ chưa tính đến các áp lực như: Hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng kéo dài, giảm năng suất nuôi trồng do biến đổi khí hậu… Điều này dễ hiểu bởi quỹ đất và nguồn vốn tái định cư hạn hẹp. Tuy vậy, thực tế các áp lực trên còn gây ảnh hưởng nặng nề và kéo dài hơn cho người dân, bởi nó đánh vào sinh kế, khiến họ không thể sinh hoạt, sản xuất ngay trên chính mảnh đất của mình. Đây là điều cần tính đến trong các chính sách, chiến lược phát triển của địa phương cũng như các Bộ, ngành liên quan đến di cư trong thời gian tới.

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2050, riêng Đồng bằng sông Cửu Long có thể có tới 1 triệu người phải di dời do những yếu tố lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại nhiều lần.

Đảm bảo sinh kế cho người dân

Qua khảo sát của Tổ chức Di cư thế giới tại ĐBSCL, nhiều trường hợp gia đình tái định cư cho biết, chi phí đi lại của họ tăng khi phải di chuyển xa hơn để đến nơi làm việc. Một số gia đình chỉ xem ngôi nhà ở nơi tái định cư là chỗ nương náu dự phòng trong mùa mưa bão, còn bình thường họ vẫn ở gần vùng có thể lao động, sản xuất (biển, rừng ngập mặn…). Kết quả, nhiều hộ gia đình lại bán đất và quay trở lại chỗ cũ, hoặc ra thành phố hay khu công nghiệp để tìm việc.

Theo nhóm nghiên cứu, một điển hình thành công là Chương trình tái định cư tại Long An. Chính quyền đã chú trọng kết hợp chương trình tái định cư với hỗ trợ tài chính và cải thiện cơ sở hạ tầng cho các hộ dân nghèo. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, thủy lợi, cung cấp nước an toàn, trường học, cơ sở y tế và chợ dân sinh khá đầy đủ. Thêm vào đó, người dân còn được vay tiền để cải tạo nhà ở. Một điều rất quan trọng là chính quyền đã đầu tư cải thiện sinh kế của người dân, bằng cách đưa ra nhiều phương thức sản xuất trồng hoa màu ngắn ngày bên cạnh hoa màu dài ngày, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc và gia cầm, phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ để tạo cơ hội công ăn việc làm.

Theo khuyến cáo của nhóm nghiên cứu, nếu các chương trình di cư của Chính phủ không thể đảm bảo vấn đề sinh kế cho người dân, tất yếu dẫn đến tình trạng di cư tự phát ra các thành phố lớn. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Ở nơi đi, việc di dân ồ ạt của nhóm dân cư trẻ và có sức lao động sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt lao động và gây khó khăn càng lớn hơn cho việc phục hồi sản xuất ở những vùng bị hạn hán, ngập mặn. Ở nơi đến, cơ hội việc làm không đủ cho lao động phổ thông. Các dịch vụ như y tế, giáo dục, an sinh xã hội chưa được chuẩn bị để tiếp nhận một lượng lớn dân di cư.

Khánh Ly