Vũng Liêm - Vĩnh Long: Hiệu quả từ giải pháp tích trữ, tưới tiết kiệm nước

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/03/2017

(TN&MT) - So với các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long là tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn, thế nhưng, vào thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, mặn đã xâm nhập vào 4/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, độ mặn ở một số khu vực có thời điểm đo được đạt tới 11,5‰, khiến cho hàng ngàn ha đất trồng lúa, cây ăn trái bị thiệt hại, tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt đã xảy ra ở một số xã, thị trấn, tỉnh Vĩnh Long phải công bố thiên tai hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn.
 Hiện nay nhiều hộ làm vườn ở xã Thanh Bình và Quới Thiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước như vườn cây của ông Võ Trí Hiếu.
Hiện nay nhiều hộ làm vườn ở xã Thanh Bình và Quới Thiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước như vườn cây của ông Võ Trí Hiếu.

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, hạn chế thiệt hại cho người dân, trong thời gian qua các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Long đã triển khai xây dựng hoàn chỉnh nhiều tuyến đê bao, cống đập...ở những khu vực xung yếu, bảo vệ diện tích lúa, cây cối, hoa màu trước tình trạng mặn xâm nhập. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nâng cao cảnh giác trước những diễn biến bất thường của thời tiết, chủ động ứng phó khi nước mặn xâm nhập, đồng thời triển khai nhân rộng các giải pháp tưới tiết kiệm nước, tích trữ nước ngọt phục vụ trồng trọt.

Cù lao Dài (có thời điểm người dân gọi là Cù lao Giày) gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm có vị trí nằm giữa sông Cổ Chiêng và sông Bang Tra, nên hầu như quanh năm người dân nơi đây không phải lo về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Thế nhưng, vào cuối năm 2015, đầu 2016 từ các tuyến sông này nước mặn bất ngờ xâm nhập sâu vào Cù lao Dài làm cho các hộ làm vườn ở đây không kịp trở tay, hàng ngàn cây Sầu Giêng, Bưởi da xanh đang mùa cho trái bị chết do nhiễm nước mặn.

Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Điều Hữu Phước cho biết: Với vị trí tiếp giáp các sông lớn, nên nguồn nước ngọt ở đây dồi dào quanh năm, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây có múi. Xã Thanh Bình có diện tích trên 2.480ha, trong đó có gần 1.000ha đất chuyên trồng Sầu Giêng, Bưởi Da xanh,. Vào đầu năm 2016, nước mặn xâm nhập đột ngột vào địa bàn xã, khiến cho chính quyền và người dân trở tay không kịp, nên đã làm cho 170ha Sầu Giêng và hàng trăm ha Bưởi da xanh bị chết, thiệt hại khoảng 70 tỉ đồng. Để phòng ngừa tình trạng xâm nhập mặn có thể tiếp tục xảy ra đối với địa bàn của xã trong thời gian tới, từ nguồn hỗ trợ của các ngành, các cấp, đến nay 100% đê bao cục bộ bao quanh xã đã được đầu tư bồi đắp, hệ thống giao thông kết hợp với bờ bao cũng được xây dựng, hàng chục cống hở, cống kiên cố ở đầu các kênh rạch cũng đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Trong kiểm tra túi ni lông chuẫn bị bơm nước vào để tích trữ.
Ông Nguyễn Văn Trong kiểm tra túi ni lông chuẫn bị bơm nước vào để tích trữ.

Song song với các giải pháp này, thì chính quyền xã Thanh Bình cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân áp dụng giải pháp tích trữ nước phục vụ sản xuất, mà trong đó điển hình là dùng bọc ni lông trữ nước ngọt. Gia đình ông Trần Văn Của, ở ấp Thái An, xã Thanh Bình có 20 công đất trồng Sầu Giêng, vào đợt xâm nhập mặn đầu năm 2016, nếu không có sự linh hoạt ứng phó thì số lượng cây Sầu Giêng bị chết do nhiễm mặn của gia đình ông không chỉ dừng lại ở co số 40 cây.

Ông Trần Văn Của nhớ lại: Vào đầu năm 2016, mặn bắt đầu xâm nhập vào địa phận xã Thanh Bình, lúc này tôi rất lo lắng vì lấy nước ở đâu mà tưới cho vườn Sầu Giêng. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, từ mô hình sử dụng túi biogas trong chăn nuôi tôi đã bật ra ý tưởng dùng túi ni lông để chứa nước. Nói là làm, tôi đi chợ mua một cuộn ni lông với chiều dài khoảng 60m, bề rộng khoảng 1m về kéo dài theo tuyến kênh trong vườn. Sau đó tôi bịt một đầu, còn đầu kia gắn ống mủ để bơm nước ngọt vào lưu trữ và hút trở ra để tưới cho cây khi nguồn nước tại các kênh bị nhiễm mặn. "Với cách làm này tôi không chỉ đủ nước ngọt tưới cho vườn Sầu Giêng, mà còn có nước để trộn hồ xây dựng nhà. Khi thấy giải pháp tôi làm có hiệu quả lại ít tốn kém cũng đã có rất nhiều hộ làm vườn ở xã Thanh Bình làm theo..."- ông Trần Văn Của phấn khởi cho biết.

Đang sửa soạn túi ni lông ở dưới kênh để chuẩn bị bơm nước vào, ông Nguyễn Văn Trong, ở ấp Thanh Khê, xã Thanh Bình cho biết, cũng nhờ trang bị túi ni lông này mà gia đình tôi không còn phải lo thiếu nước tưới cho vườn cây Sầu Giêng nữa. "Đến nay, mặc dù nguồn nước sông Cổ Chiêng thuộc địa phận xã Thanh Bình chưa bị nhiễm mặn và các khoảnh vườn đã được đắp bờ bao khép kín, đặt cống bọng..., nhưng gia đình tôi và các hộ dân ở đây vẫn bơm đầy nước tích trữ trong túi ni lông để chủ động phòng ngừa tình huống xâm nhập mặn bất ngờ xảy ra"- ông Nguyễn Văn Trong, ở ấp Thanh Khê, xã Thanh Bình cho hay.

Theo kinh nghiệm của ông Của, để bảo quản được độ bền của túi ni lông, các hộ làm vườn cần lưu ý đến việc vét sạch cây cối ở dưới mương dự định đặt túi, làm giàn bằng lưới lan phủ phía trên để bảo quản túi ni lông trước ánh nắng trực tiếp, đồng thời phòng ngừa trái Sâu Giêng rớt trúng lủng túi. Bên cạnh đó, việc dùng túi ni lông trữ nước ngọt không chỉ phục vụ sản xuất của bà con mà còn có thể dùng làm công cụ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt, nhất là ở các vùng giáp biển, nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn.

Bên cạnh giải pháp dùng bọc li lông tích trữ nước ngọt phục vụ trồng trọt đang được triển khai nhân rộng, thì ở xã Tân Bình, Quới Thiện hiện nay cũng đang phát triển mạnh mô hình tưới nước tiết kiệm. Ông Điều Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình thông tin: "Đến thời điểm này, ở xã đã có khoảng 500 hộ dân đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, với giải pháp này đã tiết kiệm được thời gian, chi phí mỗi nhà vườn phải bỏ ra, đặc biệt là giảm được lượng nước tưới cho cây khi nguồn nước ngọt đang ngày một khan hiếm...".

Trước đây, gia đình ông Võ Trí Hiếu, ở ấp Thái An, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm tưới nước cho vườn cây măng cụt bằng máy bơm đã làm tiêu tốn rất nhiều nước, tốn thời gian và chi phí mua xăng dầu. "Vừa rồi tôi đầu tư hơn 5 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống, vòi phun nước xung quanh hơn 5 công vườn. Sau khi áp dụng tôi nhận thấy với giải pháp này tôi đã đỡ  tốn chi phí, thời gian hơn, đặc biệt là tưới nước bằng vòi phun đã giữ được lớp đất màu mỡ, phân bón cây không bị tuột trôi xuống kênh mương như trước"- ông Võ Trí Hiếu, ở ấp Thái An, xã Thanh Bình nói.

Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, Điều Hữu Phước cho biết thêm, với những hiệu quả tích cực mang lại của 2 giải pháp này mà hiện nay xã Thanh Bình đang kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vũng Liêm triển khai nhân rộng trong toàn xã, để làm sao trong vài năm tới mỗi hộ làm vườn ứng dụng ít nhất một giải pháp để tích trữ nước, tiết kiệm nước phục vụ phát triển vườn cây ăn trái.  

Lê Hùng