Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường kiểm soát hoạt động xả thải

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/02/2017

(TN&MT) – Những năm gần đây, song song với việc phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp…tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt là việc xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển rất mạnh các ngành công nghiệp, nông nghiệp... Tuy nhiên, sự phát triển và quy hoạch không đồng bộ đã gây khó khăn trong việc quản lý nguồn xả thải, ảnh hưởng đến chất lượng tài nguyên nước. Cụ thể, hiện nay tổng lượng nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến hải sản khoảng 8.840m³/ngày, nhưng trên địa bàn tỉnh mới có 01 khu công nghiệp chế biến thủy sản tập trung Lộc An. Còn lại là các cơ sở chế biến thủy hải sản vẫn nằm rãi rác khắp nơi ở huyện Long Điền, huyện Tân Thành, TP. Vũng Tàu. Việc di dời, quy hoạch khu vực tập trung chưa được thực hiện. Do vậy, việc quản lý cấp phép xả thải vào nguồn nước rất khó khăn. Điển hình, tại huyện Long Điền, theo số liệu thống kê cho thấy trên địa các xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh, thị Trấn Long Hải có khoảng 176 cơ sở gia công, sơ chế, chế biến hải sản chủ yếu là cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình hoạt động tự phát, trong đó chỉ có 46/176 cơ sở có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, 130/176 cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình, không có khả năng để đầu tư công trình xử lý nước thải do vậy nguồn thải chính từ hoạt động này vẫn đang được thải trực tiếp ra môi trường và hầu hết đầu tư, xây dựng trái phép…

Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và được xác định là do các nhà máy xả nước thải chưa được xử lý an toàn ra môi trường
Cá chết hàng loạt trên sông Chà Và được xác định là do các nhà máy xả nước thải chưa được xử lý an toàn ra môi trường

Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi heo cũng đang phát triển khá mạnh. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 665 cơ sở chăn nuôi heo (quy mô từ 50 con heo trở lên) tập trung chủ yếu tại các huyện như Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành. Lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 2.650 m³/ ngày đêm, trong đó qua hệ thống xử lý, chủ yếu bằng hệ thống biogas khoảng 1.610 m³/ ngày (61%), còn lại khoảng 1.041 m³/ ngày (39%) chưa xử lý (được xả trực tiếp ra, kênh rạch, ao hồ, sông… Việc xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, không những ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước.

Tập trung kiểm soát việc xả thải

Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong năm 2016, Sở đã tăng cường phối hợp với Cục Môi trường Miền Nam và các đơn vị có liên quan để tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, trong đó tập trung kiểm tra việc xử lý nước thải đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như giấy, gạch men, dệt nhuộm, đạm, chế biến hải sản, chăn nuôi heo... trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cũng xử phạt đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, nhưng đến nay tình trạng gây ô nhiễm môi trường do việc xả thải chưa qua xử lý của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn chưa được kiểm soát, nguồn nước ở nhiều khu vực chưa được khắc phục, điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Trong đó, nguyên nhân chính là do một số các cơ sở chăn nuôi chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cơ sở lại nằm vùng sâu, xa, hoặc gần khu vực hồ khai thác nước cấp sinh hoạt hoặc có vị trí thượng nguồn các khu vực nguồn nước; một số trang trại chăn nuôi heo có lịch sử lâu dài, khi phát triển xã hội thì vị trí của trang trại nằm trong khu đô thị (DNTN Hưng Việt ...), tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp, quỹ đất hỗ trợ di dời...

Bênh cạnh đó,tình trạng tự xây dựng cơ sở chế biến hải sản khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn xảy ra. Việc cấp phép đầu từ trước đây do nhu cầu thu hút đầu tư chưa thật sự quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, chưa chú trọng đến các tác động môi trường, an toàn nguồn nước. Ngoài ra, cũng còn không ít các cơ sở chế biến hải sản chưa tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số cơ sở có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra. Còn thực tế, sau các cuộc kiểm tra, nhiều cơ sở  vẫn lén lút xả thải ra sông.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để cản thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực và kiểm soát được nguồn thải chưa qua xử lý góp phần bảo vệ nguồn nước.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Bảo vệ chất lượng nguồn nước cũng chính là bảo vệ sự sống còn của nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của hàng triệu người dân gắn liền với nguồn lợi thủy sản, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác liên quan đến nước. Việc kiểm soát ô nhiễm nước phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, trước mắt UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải nhanh chóng lấy mẫu nước tại hồ, sông thuộc khu vực  đang bị xả thải từ các hoạt động chăn nuôi gia súc và chế biến hải sản để phân tích và có hướng xử lý kịp thời. Khẩn trương rà soát hiện trạng chăn nuôi và đề xuất UBNd tỉnh điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp thực tế, trong đó di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, nhất là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư, đảm bảo việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng quản lý địa bàn, kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu các cơ sở gia công, sơ chế, chế biến hải sản xây dựng trái phép nhằm góp phần vào công tác quản lý nguồn thải giảm tác động cho môi trường.

Về lâu dài, tỉnh đã giao cho Sở TN&MT phát huy tối đa hệ thống quan trắc tự động; yêu cầu các cơ sở phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động để số liệu quan trắc được cập nhật theo dõi 24/24 giờ tại cơ quan quản lý.

                                                                                           Linh Nga