Có một "làng môi trường" giữa đại ngàn Trường Sơn

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 06/02/2017

(TN&MT) - Cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, Aur - buôn người dân tộc Cơ Tu treo giữa lưng trời trên đỉnh đại ngàn ở A Vương, Tây Giang, Quảng Nam. Nhưng có một điều lạ lùng khiến những cư dân sống giữa những đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Đà Nẵng phải ngượng ngùng với người Cơ Tu ở buôn Aur về chuyện giữ gìn vệ sinh buôn làng sạch sẽ, ngăn nắp. Chính cái sự “lạ” này mà Aur được gọi bằng cái tên khác thân thương: “Làng môi trường” giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sạch sẽ, ngăn nắp

Vượt qua những con dốc thăm thẳm, dựng đứng, băng qua những con đường nhỏ như sợi chỉ trên triền núi, vắt ngang miệng vực. Trời mưa như trút, đường trơn nhẫy, phía dưới là tiếng suối Mơ rooy ầm ào hun hút như muốn nuốt chửng cả rừng già. Từ lưng đồi, muốn lên tới đỉnh ở bản Aur phải leo ba trăm bảy mươi hai bậc tam cấp bằng cây gỗ. Nhìn tứ phía, chỉ thấy bạt ngàn mây trắng, Aur như sống ở trên trời. Chỉ một cái với tay, dường như đã chạm tới trời xanh. Trường Sơn đại ngàn giờ như ở đâu đó dưới kia, xa lắm…

Những đứa trẻ buôn Aur kháu khỉnh, thông minh và sạch sẽ lạ thường
Những đứa trẻ buôn Aur kháu khỉnh, thông minh và sạch sẽ lạ thường

Già làng Alăng Hinh năm nay gần trăm tuổi, là một trong hai người sống lâu nhất ở Aur, bộ râu trắng như cước, tai đã nghễnh ngãng, nghe câu được câu mất. Alăng Hinh móm mém cười khi thấy khách lạ tới làng. Cạnh tôi, Alăng Zèng năm nay đã ngoài bảy mươi, từng là cựu chiến binh cầm súng đánh Mỹ ở miền núi A Lưới. Mặc đồ bộ đội, hút thuốc bằng tẩu. Alăng Zèng dẫn tôi đi khắp bản khoe sự trù phú, giàu có và sạch sẽ của bản Aur. Quả thật, chỉ 14 hộ dân với 86 khẩu, Aur nằm trên một bãi đất rộng giữa đỉnh núi, thoáng đãng. Xế trưa. Mây tan trời hửng nắng, Aur lấp ló đẹp như tranh vẽ. Đàn ông đi rẫy hết, chỉ còn người già và phụ nữ và trẻ em.

Vừa tan lớp, chị em Alăng Ngọc và Alăng Mai cười giòn tan khi tôi đưa ống kính máy ảnh lên. Rồi Ngọc khoe, bố mẹ đi rẫy từ năm ngày trước nhưng ở nhà hai chị em vẫn đến lớp của thầy giáo học bài, buổi nào cũng được thầy khen, cho điểm 10.

Đã từng nghe rát nhiều về đất nước Sigapore nên tôi cũng được biết về kỷ luật giữ gìn vệ sinh “nổi tiếng” của đảo quốc này. Nhổ bọt. Phạt. Nhã bã kẹo cao su bừa bãi. Phạt. Hút thuốc lá nơi công cộng. Phạt. Đại loại là như thế, và điều đó đã biến Singapore thành quốc gia xanh - sạch nhất nhì thế giới. Nhưng càng theo Alăng Zèng đi thăm từng gia đình trong bản, tôi ngờ rằng Singapore cũng sạch bằng buôn Aur này là cùng.

  Những căn nhà được cất bằng gỗ, nhỏ nhắn, sạch sẽ, tươm tất đến không ngờ. Đến lúc này tôi mới “ngấm” câu nói của ông Bhriu Liếc (nguyên Chủ tịch UBND huyện Tây Giang) và thán phục người dân ở buôn Aur. “Mỗi ngày 3 lần như lệ bản đã ban (sáng, đầu chiều và chiều tối), người già, trẻ em phải tập trung quét dọn nhà cửa, sân bản, nhà nào để phát hiện có rác, bụi bặm thì bị nhắc nhở, phê bình trong những lần họp buôn”. Già Alăng Zèng nói.

Những chiếc chuồng gia cầm tinh tươm và không hề có mùi hôi được đồng bào Cơ Tu trong buôn sắp xếp ngăn nắp
Những chiếc chuồng gia cầm tinh tươm và không hề có mùi hôi được đồng bào Cơ Tu trong buôn sắp xếp ngăn nắp

Bể tắm giặt của buôn sạch sẽ, nước trong veo, chảy ào ạt cả ngày đêm, mát rượi, giúp bà con có điều kiện tắm rửa hàng ngày chứ không “ngại tắm, lười tắm” như những dân tộc thiểu số khác. Vì thế, trẻ em ở buôn Aur da trắng trẻo, sạch sẽ chứ không nhếch nhác một chút nào. Trong những em bé tôi gặp ở đây, bé nào cũng trắng hồng, sạch bong như một đồng xu mới đúc.

Già làng Alăng Zèng tiếp tục dẫn tôi thăm từng gia đình trong bản. Thấy tôi ra ngoài vứt điếu thuốc lá vừa tàn, Alăng Zèng kéo lại nhắc nhở: “May mà không ai nhìn thấy, không thì anh mất điểm với người dân rồi!”. Ở buôn Aur, hầu như chẳng có ai bị mắc bệnh ngoài da, tiêu hóa, sốt rét, hay các bệnh dịch liên quan đến khâu vệ sinh dịch tễ cả. Không khí nơi đây lại trong lành càng khiến cho điều kiện sống chẳng những vượt quá Singapore hay bất cứ nơi đâu, mà có thể nhận định rằng đến tiên cảnh cũng chỉ thế mà thôi.

Hiếu khách vô cùng

Quay về lại nhà già làng Alăng Zèng, một vãn cảnh lộng lẫy về bộ sưu tập chiêng, ché, chum với từng nét vân xanh biếc nổi lên trên nền sứ trắng như ngọc. Alăng Zèng hãnh diện: “Đây là cặp ché Rồng, có từ thời cụ, ky của tôi, nay nó đã hơn 200 năm tuổi. Nhiều lần bản làng ly tán đổi thay, di cư từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, mất đi nhiều thứ lắm, nhưng với những cặp ché và chiêng cổ này, tui luôn đeo nó bên mình. Có nhiều người đòi đổi vàng, trả tui tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, nhưng tui không bán đổi. Có lần gặp người Kinh lên núi săn mật ong rừng, đòi đổi mấy chiếc xe máy để được sở hữu cặp ché này nhưng tui cũng không ưng cái bụng vì đó là vật gia truyền”.

Càng theo Alăng Zèng đi thăm từng gia đình trong bản, tôi ngờ rằng Singapore cũng sạch bằng buôn Aur này là cùng
Càng theo Alăng Zèng đi thăm từng gia đình trong bản, tôi ngờ rằng Singapore cũng sạch bằng buôn Aur này là cùng

Trong sàn nhà sạch sẽ ngăn nắp, thơm tho mùi gỗ, gia sản của cụ cũng là những bộ ché chạm hình rồng, hoa giấy và chiêng cổ. “Trước đây nhiều lắm, nhưng cho con cái hết. Thời thằng Alăng Zinh cưới vợ phải cho nó mấy cặp ché giá trị nhất rồi” - cụ móm mém miệng nói từng lời. Nói rồi Alăng Zèng chỉ tay sang chỗ khác: “Cặp ché này gần 300 năm rồi đấy, nó có tên là Hoa giấy. Trước đây khi qua đời, ông cụ tui có bảo rằng, nó giá trị gấp 3 lần cặp ché Rồng. Bên cạnh đó là chiếc ché có tên là ché Thượng Thùy. Nghe cái tên thì nhớ chứ thực ra tui cũng chẳng hiểu nghĩa là gì”.

Già làng Alăng Zèng cất giọng cười lớn, rồi nắm tay tôi dắt qua nhà cụ Alăng Tinh - mẹ của già. Cụ bà năm nay xấp xỉ trăm tuổi, đẹp lão, cặp mắt sáng tinh anh. Trong sàn nhà sạch sẽ ngăn nắp, thơm tho mùi gỗ, gia sản của cụ cũng là những bộ ché chạm hình rồng, hoa giấy và chiêng cổ. Nhìn cơ ngơi chum ché, chiêng cổ của gia đình già làng, tôi chẳng phải là tay buôn đồ cổ nhưng chắc rằng, giá trị của nó khó mà đong đếm được. Chỉ khi chạm chân đến đỉnh núi Aur, tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây, tôi mới dám tin được “mỹ từ” mà nguyên Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhriu Liếc tặng cho buôn người dân tộc Cơ Tu này: “Aur như một Singapore thu nhỏ” ở vùng miền Tây xứ Quảng này. Họ sống trù phú, ấm no, sạch sẽ, hiếu khách đến không ngờ.

Buôn Aur sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng đến không ngờ…
Buôn Aur sạch sẽ, ngăn nắp và gọn gàng đến không ngờ…

Tàn mây. Trưởng buôn Alăng Phốt bước lên đầu bản sau mấy ngày đi rẫy về. Nghe già làng giới thiệu, Alăng Phốt giơ cao xâu ếch rừng cùng giỏ cá niêng - hai đặc sản mà mỗi lần đi rừng, đi suối bắt được để dành khi nào Aur có lễ hội hoặc khách lạ mới thiết đãi, hồ hởi nói: “Khách gặp may rồi, tối nay đừng ngại, cứ thoải mái xài đặc sản của Aur nhé”. Nhanh như cắt, sau sự tập trung con cháu dưới bếp, mâm cơm trắng được dọn ra trong nhà Gươi. Mùi thịt ếch kho thơm phức, cá niêng nướng xiên béo ngậy. Alăng Phốt đặt bình rượu cái phịch giữa nhà rông... Trong ánh lửa bập bùng, trưởng buôn Alăng Phốt mời tôi nâng chén, nâng đũa, thủng thẳng từng câu chuyện.

Bữa rượu cá niêng, thịt ếch nướng, ngồi thâu đêm, trưởng bản Alăng Phốt trầm ngâm bên cốc rượu sắn. Đêm ở chốn chót vót trùng mây đã đưa tôi lạc bước giữa đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm...

Bài & ảnh: Xuân Lam