Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ: Đào tạo Tiến sĩ - chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/01/2017

(TN&MT) - Trước thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao về đo đạc và bản đồ còn thiếu, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã có chức năng đào tạo tiến sĩ về trắc địa - bản đồ nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho ngành đo đạc và bản đồ nói chung và cho Viện nói riêng.

Đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là Viện nghiên cứu khoa học cơ bản trực thuộc Bộ TN&MT có bề dày hơn 20 năm xây dựng và phát triển.

Tiến sĩ Lê Anh Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết: Công tác chuẩn bị cho hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Viện đã được bắt đầu xây dựng từ những năm 2008, 2009 với việc xây dựng đề án, xây dựng đề cương khung, chương trình chi tiết các môn học chuyên ngành và bảo vệ đề cương, đề án trước Bộ GD&ĐT. Chức năng của Viện được mở rộng thêm từ Quyết định số 3080/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Trắc địa cao cấp, mã số 62.52.85.10. Năm 2012, Quyết định số 3387/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2012 chuyển đổi tên chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ sang danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ  thành ngành Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, mã số 62.52.05.03. Viện chính thức là đơn vị duy nhất trong Bộ TN&MT có chức năng đào tạo tiến sĩ về Trắc địa và bản đồ.

Tiến sĩ Lê Anh Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, tới đây, Viện sẽ mở rộng hợp tác với các Viện, các trường trong và ngoài ngành trong công tác đào tạo, phối hợp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh
Tiến sĩ Lê Anh Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, tới đây, Viện sẽ mở rộng hợp tác với các Viện, các trường trong và ngoài ngành trong công tác đào tạo, phối hợp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh

Năm 2012, Viện tuyển sinh khóa đầu tiên với 3 nghiên cứu sinh thuộc 2 chuyên ngành Trắc địa cao cấp và Trắc địa ảnh - viễn thám. Công tác tuyển sinh của Viện được phổ biến rộng đến các đơn vị trong và ngoài Bộ, đến các đơn vị có liên quan từ trung ương đến địa phương. Việc đánh giá hồ sơ, tố chất nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh theo đúng quy trình, quy định, mỗi năm Viện tuyển từ 1 - 3 người. Sau 5 năm tuyển sinh hiện nay số lượng nghiên cứu sinh được công nhận tại Viện là 9 người (4 thuộc chuyên ngành Trắc địa cao cấp, 5 thuộc chuyên ngành Trắc địa ảnh - viễn thám), các nghiên cứu sinh chủ yếu là cán bộ các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Dự kiến năm 2017, có 2 nghiên cứu sinh hoàn thành bảo vệ luận án và nhận bằng tốt nghiệp.

Để đạt được kết quả chất lượng trong công tác đào tạo, bên cạnh việc lựa chọn những cá nhân có tố chất, có năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy, hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh cũng rất quan trọng.

Viện có 1 PGS.TSKH, 7 tiến sĩ thuộc lĩnh vực kỹ thuật trắc địa - bản đồ. Đây là những cán bộ chuyên gia hàng đầu của Viện có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, đã tham gia nhiều đề tài dự án cấp nhà nước và các cấp bộ, ngành. Ngoài ra, Viện còn mời thêm 27 GS, PGS, TSKH, TS ngoài Viện tham gia đào tạo, hướng dẫn khoa học. Việc mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế như: Đại học tổng hợp Nagoia, Tokyo, Viện Thông tin Địa lý Nhật Bản, Viện Thông tin Địa lý Quốc gia Hàn Quốc, Trường Đại học Tổng hợp Trắc địa và Bản đồ Matxcơva, Viện Trắc địa và Bản đồ Ba Lan, Cục Địa lý Quốc gia Lào… nhằm mục đích trao đổi học thuật và đào tạo.

Xác định đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của Viện của lĩnh vực là một nhiệm vụ quan trọng, Viện đã bố trí: 1 Phòng học và làm việc cho nghiên cứu sinh rộng 60m2; phòng hội thảo sinh hoạt khoa học 150m2; 1 phòng thí nghiệm.  Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo và quản lý hoạt động đào tạo, Viện thành lập Phòng Đào tạo sau đại học giúp Viện trưởng quản lý hoạt động đào tạo sau đại học, xây dựng các quy chế, quy trình, văn bản hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đào tạo và học tập của nghiên cứu sinh.

Quang cảnh Hội thảo luận án tiến sĩ
Quang cảnh Hội thảo luận án tiến sĩ

Chương trình đào tạo tập trung 3 năm được xây dựng trên cơ sở cấu trúc chương trình quy chuẩn chung đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Trong thời gian học tập nghiên cứu, nghiên cứu sinh là thành viên chính thức của đơn vị; ngoài việc hoàn thành các học phần ở trình độ tiến sĩ, các chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan, nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh được tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đang triển khai tại Viện. Nghiên cứu sinh có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu thực nghiệm, phát triển các công nghệ mới trên các máy móc, thiết bị hiện đại thuộc thế hệ mới nhất của Viện như: các thiết bị thu tín hiệu vệ tinh GNSS R8 và R9 (Mỹ), các thiết bị thủy chuẩn độ chính xác cao, hệ thống đo trọng lực tuyệt đối FG5x (Mỹ), hệ thống đo trọng lực hàng không TAGS6 (Mỹ), máy đo trọng lực biển ZLS, máy dò công trình ngầm Hi-MODE#4 (Italia)…

Phục vụ cho việc dạy và học, ngay từ những năm 2010 cho đến nay, Viện đã biên soạn 8 đầu sách khoa học kỹ thuật, giáo trình ở bậc tiến sĩ; 5 đầu sách đã được in ấn, xuất bản. Thư viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ là một thành viên của thư viện điện tử ngành với 3.256 đầu sách (6.839 cuốn), 3.283 đầu tạp chí (6.972 cuốn), 80 đầu sách nước ngoài được bổ sung trong năm qua của các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới và nhiều tài liệu khác về lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Thư viện thường xuyên cập nhật các đầu sách mới, các kết quả nghiên cứu khoa học mới phục vụ cho nghiên cứu, tham khảo và học tập. Tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ là tạp chí chuyên ngành duy nhất của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Mỗi năm, tạp chí xuất bản 4 số, phổ biến các thành tựu nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ của lĩnh vực. Chất lượng các bài đăng được đánh giá cao và được tính điểm công trình 0.5 điểm/bài báo. Nghiên cứu sinh có điều kiện tiếp cận nhanh nhất các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực được cập nhật thường xuyên, liên tục thông qua thông qua tạp chí, thư viện, trang website www.vigac.vn của Viện.

Hàng năm, nghiên cứu sinh được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học có sự tham gia của các nhà khoa học uy tín trong nước và ngoài nước diễn ra thường niên tại Viện. Các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã được định hướng dựa trên Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ kết hợp cới các xu hướng phát triển khoa học công nghệ trắc địa bản đồ trên thế giới, như: hoàn thiện hệ thống trọng lực quốc gia, phát triển hệ tọa độ động lực quốc gia, hoàn thiện hệ độ cao quốc gia hiện đại, các phương pháp xác định mặt Quasigeoid nhờ các dữ liệu GPS, thủy chuẩn và trọng lực… cùng hơn 50 định hướng nghiên cứu cũng là những lựa chọn thuận lợi cho các thí sinh có dự định làm nghiên cứu sinh tại Viện.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ

Theo Viện trưởng Lê Anh Dũng, để Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát triển thành viện nghiên cứu đầu ngành, có năng lực, trình độ công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ của các nước phát triển trên thế giới, bên cạnh đầu tư nghiên cứu khoa học, Viện cũng rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ tiến sĩ. Đến năm 2025, Viện sẽ có ít nhất 20 tiến sĩ, 5 PGS cơ hữu làm việc tại Viện và 30 tiến sĩ cộng tác viên làm việc tại Viện và tham gia công tác đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tiến sỹ Lê Anh Dũng cho biết: Xu thế phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới được đánh giá theo các hướng: công nghệ định vị vệ tinh (GNSS), công nghệ đo cao, công nghệ đo trọng lực, công nghệ viễn thám, công nghệ LiDAR và chụp ảnh số, công nghệ bản đồ số và GIS, công nghệ đo sâu địa hình đáy biển… Hoạt động đào tạo tiến sĩ tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, bổ sung sách chuyên khảo, soạn thêm các giáo trình phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ. Ưu tiên phát triển đào tạo trắc địa cao cấp, trắc địa ảnh - viễn thám, mở thêm chuyên ngành bản đồ và GIS. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị và phòng thí nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực thực hành

Ngoài ra, Viện sẽ mở rộng hợp tác với các Viện, các trường trong và ngoài ngành trong công tác đào tạo, phối hợp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo với các nước có trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nói chung cũng như lĩnh vực đo đạc bản đồ nói riêng với vai trò vừa là cơ sở đào tạo vừa là cơ quan sử dụng cán bộ.

Các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện sẽ tham gia đào tạo nghiên cứu sinh. Dự kiến, đến năm 2025, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện sẽ tham gia đào tạo 10 nghiên cứu sinh và 3 sách chuyên khảo. Thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động đo đạc bản đồ, các nghiên cứu và việc áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bản đồ để cập nhật và thay đổi kịp thời chương trình đào tạo phù hợp với xu thế phát triển lĩnh vực đo đạc bản đồ trong khu vực và trên thế giới.

Với tất cả những thành quả đã đạt được trong quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện, hy vọng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực đo đạc bản đồ cũng như cho ngành TN&MT nói chung.

Thanh Huyền - Thúy Hằng