Nhân rộng mô hình quy hoạch bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/01/2017

(TN&MT) – Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển. Cuốn sách “Quy hoạch bảo vệ môi trường: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn” của PGS.TS Lê Trình - Ủy viên BCH Hội BVTN&MT Việt Nam cùng nhóm tác giả thực hiện hướng đến mô hình quy hoạch bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững cho các địa phương cấp tỉnh, thành phố.

Khung pháp lý cho phát triển bền vững

Ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng Luật BVMT năm 1993 và Luật BVMT năm 2005, các nhà quản lý môi trường đã xây dựng ý tưởng về Quy hoạch môi trường. Vấn đề quy hoạch bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 và được quy định trong Nghị định 18/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phương pháp luận và sự đồng thuận trong việc lập quy hoạch chưa cho phép xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch về môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, những năm qua có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương đã tiến hành lập Quy hoạch môi trường hoặc Quy hoạch BVMT. Thực tế cho thấy, các quy hoạch về môi trường này đã đóng góp hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ TN&MT xây dựng phương pháp luận về Quy hoạch BVMT phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam.

BVMT có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên
BVMT có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên

Các chuyên gia môi trường khẳng định, việc đưa Quy hoạch BVMT vào Luật BVMT năm 2014 có vai trò chủ đạo trong việc thực hiện quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch.

Theo đó, việc phân tích hiện trạng môi trường, điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và sinh thái trong vùng quy hoạch, phân vùng môi trường sẽ đưa ra các định hướng về quản lý và BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho các loại hình quy hoạch hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ quan thực hiện quy hoạch phát triển không xác định được hiện trạng, diễn biến của các thành phần môi trường và định hướng quản lý và BVMT.

Chuyên khảo về Quy hoạch bảo vệ môi trường

Thực hiện quy hoạch BVMT sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của ĐMC trong vai trò là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và BVMT nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là một phương thức phòng ngừa ô nhiễm và sự cố môi trường tích cực, tiết kiệm chi phí đầu tư xử lý môi trường và khắc phục sự cố môi trường.

 Cuốn sách do Đặng Trung Thuận và Lê Trình đồng chủ biên, do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật vừa ấn hành
Cuốn sách do do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật vừa ấn hành

Cuốn sách “Quy hoạch bảo vệ môi trường: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn” do tác giả Lê Trình, Ủy viên BCH Hội BVTN&MT Việt Nam và GS.TSKH Đặng Trung Thuận đồng chủ biên là một chuyên khảo về khoa học môi trường. Chuyên khảo được hình thành dựa trên kết quả nghiên cứu nhiều năm và đúc kết từ công tác điều tra, khảo sát, xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường tại một số tỉnh thành ở trung du miền núi, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung. Chuyên khảo hướng đến một mô hình phân vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường có cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn theo hướng đảm bảo phát triển bền vững cho các địa phương cấp tỉnh, thành phố theo luật định.

Công trình chia làm 2 phần nội dung; trong đó đáng chú ý là 6 kết quả nghiên cứu lập quy hoạch bảo vệ môi trường cụ thể đối với 3 tỉnh, thành phố mà các tác giả đã thực hiện là Thái Nguyên - đặc trưng cho khu vực trung du miền núi; Tiền Giang điển hình cho vùng đồng bằng; Đà Nẵng - đặc trưng cho thành phố đô thị ven biển. Các tác giả hy vọng, đây sẽ là khuôn mẫu để nhân rộng quy hoạch bảo vệ môi trường ra các địa phương khác nước ta.

Tuyết Chinh