Hệ lụy nghiêm trọng từ các hoạt động đầu nguồn lưu vực Vu Gia – Thu Bồn

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/12/2016

(TN&MT) - Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những hệ thống sông lớn của miền Trung và cả nước. Với đặc điểm sông ngắn, độ dốc lớn nên những gì xảy ra...

 

(TN&MT) - Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những hệ thống sông lớn của miền Trung và cả nước. Với đặc điểm sông ngắn, độ dốc lớn nên những gì xảy ra ở đầu nguồn đều tác động nhanh chóng đến khu vực vùng hạ du, làm thay đổi về môi trường sinh thái, địa chất và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Việc chặn dòng chảy đầu nguồn đã chặn một lượng lớn bùn cát bồi đắp hạ du gây sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển (trong hình: sạt lở nghiêm trọng ở biển Cửa Đại – Quảng Nam)
Việc chặn dòng chảy đầu nguồn đã chặn một lượng lớn bùn cát bồi đắp hạ du gây sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển (trong hình: sạt lở nghiêm trọng ở biển Cửa Đại – Quảng Nam)

Suy giảm rừng đầu nguồn đẫn đến suy giảm đa dạng sinh học

Trong thập kỷ vừa qua, nhiều thủy điện lớn nhỏ đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của nhân dân trong tỉnh. Cùng với sự phát triển đó, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho thuỷ điện là 1.389,71 ha, đây là diện tích do lòng hồ chiếm chỗ. Ngoài ra, diện tích rừng còn bị mất để phục vụ làm đất tái định cư và đất sản xuất cây lương thực hàng năm. Chưa dừng ở đó, nhiều khu tái định cư còn được phép đốn cây rừng để làm nhà, việc tích nước vào hồ thủy điện cũng tạo điều kiện cho lâm tặc phá rừng ở khu vực có độ cao cao hơn mà trước khi có hồ chúng không thể tiếp cận.

Rừng bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng lớn tới vấn đề đa dạng sinh học. Quảng Nam được xếp vào nhóm tỉnh thành có đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế - xã hội với tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa... đang đe dọa sự bền vững của các hệ sinh thái.

Các hệ sinh thái biển, sinh thái nội địa đang diễn biến rất phức tạp. Sự suy giảm của hệ này sẽ dẫn đến sự suy giảm của hệ kia. Các hệ sinh thái đất ngập nước gồm rừng ngập mặn và cỏ biển đóng vai trò như một máy lọc sinh học, hấp thụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi ra biển. Các rạn san hô và đa dạng sinh học Cù Lao Chàm được bảo vệ với sự đóng góp tích cực của hệ sinh thái đất ngập nước vùng hạ lưu Thu Bồn - Cửa Đại. Về phương diện sinh vật và nguồn lợi, trứng và con non các loài thủy sinh vật có giá trị kinh tế cao xung quanh Cù Lao Chàm sẽ tiếp cận ngay vào hệ sinh thái đất ngập nước sông Thu Bồn. Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái vùng cửa sông Vu Gia – Thu bồn đang bị thay đổi do tình trạng phù sa vào mùa lũ và nhiễm mặn ăn sâu vào đất liền trong mùa khô, đặc biệt là những thời gian các hồ thủy điện không xả nước phát điện.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại, Hội An
Sạt lở bờ biển Cửa Đại, Hội An

Suy giảm rừng trên lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn cũng ảnh hưởng nặng tới môi trường sống và tới chế độ thủy văn, bao gồm cả dòng chảy mùa lũ và mùa khô. Thời gian gần đây thường xảy ra hiện tượng mực nước tại các hồ thủy điện vào mùa khô thường thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Sau mùa mưa lũ 2014, hồ A Vương thiếu 67 triệu m3 nước, hồ Sông Bung 4 chỉ tích được đến cao trình 221,76m, dưới mực nước dâng bình thường 1m. Cũng vì phá rừng nên lượng mưa chảy tràn trên mặt nhiều hơn lượng nước mưa thấm vào đất. Gặp mùa nắng kéo dài hoặc khi mùa mưa kết thúc sớm, lưu lượng trên sông giảm dần nên nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó về mùa mưa, khi có lũ, lượng nước đổ về hồ rất nhiều và nhanh. Lưu vực này có hệ số dòng chảy đạt khá cao (0,7) phản ánh tính chất điều tiết của bề mặt lưu vực hầu như rất hạn chế. Chế độ dòng chảy bị ảnh hưởng khi thảm phủ thay đổi, diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị chặt phá nhiều mặc dù rừng trồng hàng năm làm tăng độ che phủ nhưng chất lượng rừng có phần giảm đi. Có thể khẳng định sự giảm sút của chất lượng rừng là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng hơn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam
Sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam

Ngăn dòng chảy thượng nguồn gây sạt lở ở hạ du

Tính toán sự suy giảm lượng bùn cát sau khi có hồ thủy điện cho thấy, tại trạm Nông Sơn (trên sông Thu Bồn) khối lượng trung bình bùn cát năm từ giai đoạn 1996 - 2008 là 2.415.723 (tấn/năm), giai đoạn sau khi hồ chứa hoạt động từ năm 2010 – 2013 là 1.709.029 (tấn/năm) như vậy nhận thấy lượng bùn cát suy giảm trung bình năm của thời gian hồ chứa hoạt động và thời gian khi chưa có sự hoạt động của hồ chứa là 706.694 (tấn/năm), lưu lượng bùn cát năm đã giảm tới 29 %. Theo tính toán thì việc ảnh hưởng của hồ chứa tới lưu lượng bùn cát tại trạm Nông Sơn là khá lớn. Còn tại trạm Thành Mỹ (trên sông Vu Gia), trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013 độ đục đo được tại trạm tăng lên rất mạnh so với giai đoạn trước đó. Lưu lượng bùn cát trung bình mỗi năm trong giai đoạn này là 1.976.215 (tấn/năm), lưu lượng bùn cát tại giai đoạn từ năm 1996 – 2008 là 1.398.075 (tấn/năm). Lượng bùn cát đã tăng so với giai đoạn trước là 578.140 (tấn/năm), tương đương 41 %.

Qua đó có thể thấy rằng, các hồ chứa trên thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã chặn một lượng rất lớn bùn cát và gây thiếu hụt nghiêm trọng bùn cát tại cửa sông. Do thiếu hụt bùn cát cung cấp cho khu vực bờ biển gây ra hiện tượng xói lở bờ biển.

Suy giảm rừng trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ảnh hưởng nặng tới môi trường sống và tới chế độ thủy văn, bao gồm cả dòng chảy mùa lũ và mùa khô
Suy giảm rừng trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ảnh hưởng nặng tới môi trường sống và tới chế độ thủy văn, bao gồm cả dòng chảy mùa lũ và mùa khô

Tại hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về cửa sông, bờ biển do Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung tổ chức đã cung cấp, củng cố thêm nhiều luận chứng khoa học, cắt nghĩa hiện tượng xói lở cục bộ ở bờ biển Cửa Đại do quá trình suy giảm bùn cát. Bãi biển Cửa Đại và nhiều nơi khác thuộc các cửa sông ven biển của miền Trung đang bị sạt lở do ảnh hưởng của thiên tai và các hoạt động can thiệp thô bạo của con người như nạn khai thác cát quá mức, sự tàn phá rừng đầu nguồn hoặc tác động của việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm thay đổi lượng dòng chảy. Theo dõi diễn tiến sạt lở bãi biển Cửa Đại cho thấy, ngoài yếu tố tác động thiên tai, thì nguyên nhân chính được xác định vì thiếu hụt lượng cát bùn rất lớn từ thượng lưu sông Thu Bồn đổ về. Vào các mùa mưa - nắng, sự thay đổi của dòng chảy đã mang đi và mang đến lượng cát bồi lấp không đều, dẫn đến sạt lở mạnh.

Như vậy, giữa các lưu vực sông và khu vực ven biển tồn tại mối quan hệ chức năng quan trọng. Hai hệ thống này được liên kết với nhau thông qua các quá trình tự nhiên (nước chảy và bùn đất) cũng như các hoạt động của con người (phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng, các hoạt động tại nông thôn, các loại chất thải, và ô nhiễm). Các hoạt động và sự kiện diễn ra ở thượng nguồn đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ sinh thái biển và vùng ven biển. Việc phá hủy hệ sinh thái ở thượng nguồn làm thay đổi lượng phù sa, trầm tích và chất lượng nước ngọt, dẫn đến việc suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô, đồng thời gây ra những thiệt hại về ngư nghiệp, du lịch và đời sống kinh tế xã hội của cư dân ven biển.

 Bài và ảnh: Yến Nhi