Những ảnh hưởng của các dự án thủy điện đến đời sống người dân

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/12/2016

(TN&MT) - Cũng như những lĩnh vực khác, việc khai thác dòng sông gắn liền với những vẫn đề xã hội, với những ảnh hưởng nhiều khí âm tính, kéo dài chục năm. Trong khi những nguyên tắc phát triển bền vững đòi hỏi sự tăng trưởng bền vững.  Các dự án thủy điện nhiều khi chỉ đảm bảo được một tiêu chí kinh tế. Trong năm năm lại đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã nghiên cứu ảnh hưởng của các dự án thủy điện tới đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của các cộng đồng chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện miền Trung và Tây Nguyên.

Đền bù không thỏa đáng

Sau hơn một thập kỷ, người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thủy điện cho hay, thủy điện mang đến nhiều lợi ích cho người dân như giúp dân tiếp cận được với điện, nước sạch, tạo điều kiện để xây dựng được nhà ở kiên cố, trạm y tế, trường học được cải thiện. Tuy nhiên, những tổn thương mà các dự án thủy điện để lại vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của cộng đồng. 

Ở rất nhiều nơi, cam kết về đền bù đất đai không được nhà đầu tư và chính quyền thực hiện. Rất nhiều trường hợp (Thừa Thiên Huế, Đaklak, Đak Nông), đất đai không được đền bù đầy đủ là do các nhà quản lý không tính toán đầy đủ các quỹ đất cần có để đền bù cho cộng đồng. Có những vùng, sau hàng chục năm, chính quyền mới chỉ cấp được một nửa diện tích cam kết. Giá cả đền bù đất đai tính không đầy đủ và không đủ để người dân mua lại đất đai có giá trị tương đương với phần đất đã mất vì thủy điện.

Công trình thủy điện Buôn Kuốp là một công trình thủy điện nằm trong địa phận các xã Hào Phú (huyện Cư Jút) Nam Đà (Huyện Krông Nô) và Dray Sáp (huyện Krông Ana) cách chỗ hợp lưu của các sông Krông Nô và Krông Ana khoảng 10km về phía hạ lưu. Công trình có công suất 280MW này lớn thứ 2 Tây Nguyên sau công trình thủy điện Yaly. Theo thiết kế, công trình thủy cung cấp lưới điện quốc gia khoảng 1,4 tỷ KWh/ năm và thực hiện chức năng điều hòa nguồn nước, cấp nước tưới cho hạ du công trình, tạo cảnh quan du lịch, phát triển giao thông thủy sản. Tuy nhiên, người dân ở đây cho hay, từ ngày có thủy điện, nước dâng lên kinh tế gia đình bị sụt đi rất nhiều. Từ chỗ có từ 1 tới 3 hecta, nhiều gia đình chỉ còn vài trăm mét vuông. Với giá đền bù, một hecta chỉ đủ mua 5 sào, nhiều  gia đình còn không có đất canh tác.

Bên cạnh tổn thất đất đai, các dự án thủy điện còn gây ra nhiều dạng tổn thất tài sản thiên nhiên mà người dân không được tính đến làm sinh kế của người dân sa sút
Bên cạnh tổn thất đất đai, các dự án thủy điện còn gây ra nhiều dạng tổn thất tài sản thiên nhiên mà người dân không được tính đến làm sinh kế của người dân sa sút

Bà Nguyễn Thị Thanh, nông dân buôn Ea-tung cho biết: “Từ năm 2011 tôi đã làm đơn gửi cho chính quyền xã và huyện. Hồi đó gia đình có 2 sào mấy đền bù được 170 triệu đồng, giờ còn 128 m2 nhà ở, 13 cây cà phê mà họ không giải quyết đền bù. Số cây ít như vậy, gia đình không bõ công để chăm sóc”.

Bên cạnh tổn thất đất đai, nhiều dạng tổn thất tài sản thiên nhiên mà người dân không được tính đến làm sinh kế của người dân sa sút. Những tổn thất này thể hiện ở nguồn thủy sản nước ngọt, là nguồn đạm dinh dưỡng và thu nhập của người dân bị mất (Quảng Nam, Đaklak, Thừa Thiên Huế). Nhiều buôn làng mất bãi chăn thả nên mất đi thu nhập trong chăn nuôi gia súc các nguồn thu từ lâm sản cũng không còn. Dòng chảy bị chặn nên sinh kế vận chuyển của người dân Quảng Nam cũng không còn.

Không chỉ thế, giảm sút nền nước ngầm ở vùng hạ lưu làm suy giảm nguồn nước sinh hoạt, nhất là Quảng Nam, Đaklak. Rất nhiều bà con ở Đak Nong, Đaklak  phản ánh, đất đền bù có chất lượng kém, hoặc không có nước làm thủy lợi đẫn đến không thể sản xuất lương thực hoặc không làm được 2 vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của người dân.

Nhiều nơi được cấp đất tái định cư thì có những sai sót về xây dựng hạ tầng không đảm bảo đời sống  cộng đồng như chất lượng cấp nước sạch, hệ thống đường giao thông thôn bản, cống thoát nước...  Một số hộ còn chưa được cấp sổ đỏ khi thực hiện đền bù, các nhà ở được quy hoạch không có đủ diện tích vườn để trồng rau, không có khu vực để chăn nuôi...

Những bất cập trong công tác đền bù của các dự án thủy điện đã đưa người dân vào hoàn cảnh nghèo đói, bệnh tật, chịu tổn thương về lâu về dài.

Để phát triển thủy điện bền vững cần tập trung nâng cao năng lực cho người dân để giúp họ có cuộc sống ổn định khi tái định cư
Để phát triển thủy điện bền vững cần tập trung nâng cao năng lực cho người dân để giúp họ có cuộc sống ổn định khi tái định cư

Hỗ trợ người dân nâng cao năng lực

Để tạo sự phát triển công bằng ở các vùng có dự án thủy điện, các tổ chức chính quyền, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ cộng đồng cần điều chỉnh chương trình đền bù và tái định cư cho người dân. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và  phát triển xã hội đã đề xuất hướng điều chỉnh theo 2 nội dung là tháo gỡ trở ngại và nâng cao năng lực để tạo quyền cho cộng đồng giải quyết vấn đề của mình.

Theo đó, để thảo gỡ trở ngại cần đảm bảo sự tham gia thực chất của người dân chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện, đơn giản hóa các thông tin để người dân dễ hiểu, dễ nắm bắt. Thúc đẩy nối kết các cộng đồng bị ảnh hưởng với các dịch vụ tư pháp, các chuyên gia kỹ thuật, các nhà báo... nhằm gỡ bỏ bớt rào cản về sự cách trở của cộng đồng với các nguồn hỗ trợ.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho người dân, cần cải thiện các kỹ năng đối thoại của người dân với các bên liên quan từ cấp huyện tới cấp tỉnh, cải thiện kỹ năng thu thập phân tích thông tin cho người dân để họ có thể đối thoại, đàm phán với các bên liên quan, đồng thời nâng cao hiểu biết về pháp luật cho dân. Việc củng cố và xây dựng mạng lưới giữa các nhóm nông dân cũng góp phần nâng cao năng lực cho người dân.

Để tạo nên sự phát triển bền vững cho thủy điện, việc bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân vô cùng quan trọng. Nếu làm tốt khâu nâng cao năng lực cho người dân thì khả năng tạo nên cuộc sống mới bền vững cho người dân vùng chịu ảnh hưởng thủy điện sẽ không mấy khó khăn.

Bài & ảnh:Yến Nhi