Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhức nhối ô nhiễm bãi rác tạm ở Bình Châu

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/11/2016

  (TN&MT) - Từ nhiều năm qua, người dân sống quanh khu vực bãi rác tạm ở ấp Bình Trung, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), liên tục hứng...

 

(TN&MT) - Từ nhiều năm qua, người dân sống quanh khu vực bãi rác tạm ở ấp Bình Trung, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), liên tục hứng chịu mùi hôi thối, ô nhiễm.

Theo phản ánh của người dân ấp Bình Trung, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), thì khoảng 10 năm qua, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Bình Châu được đưa về một bãi rác tạm nằm trên địa bàn ấp Bình Trung.  Lượng rác thải trên mỗi  ngày một nhiều, mà không được xử lý nên bãi rác này đang ngày càng gây ô nhiễm cho người dân sống xung quanh.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân trên, chúng tôi đã có buổi thực tế tại khu vực này. Ngay từ quốc lộ 55 còn khoảng 500m nữa mới đến bãi rác tạm ở ấp Bình Trung nhưng mùi hôi của rác đã bốc lên nồng nặc. Buổi sáng trời vừa ngớt mưa rồi hửng nắng, mùi rác vẫn chưa kịp bay đi hết nên xộc lên mũi, bay vào đến tận những khu nhà lân cận. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của gia đình chị Nguyễn Thị Hạt chỉ cách bãi rác tạm khoảng 100m. Khi chúng tôi đến, tầm 11 giờ trưa, mùi hôi của rác vẫn còn rất khó chịu. Chị Hạt cho biết, vợ chồng chị làm thuê làm mướn nên phải thuê nhà ở đây cho rẻ. Những nhà có điều kiện họ dọn đi hết rồi vì không chịu nổi mùi hôi. Khoảng 20 căn nhà lụp xụp quanh bãi rác chủ yếu là cho dân thuê trọ. Căn nhà chị thuê đã gần 1 năm với giá 200 ngàn đồng/tháng, hễ cứ nắng lên thì mùi hôi khó chịu, mưa xuống là ruồi nhặng bu đầy vào nhà. Chị Hạt kể: “Những hôm trời mưa, có khi phải giăng mùng để ngồi ăn cơm, không thì ruồi bu đen không chịu nỗi. Không chỉ có ruồi, mùa mưa này muỗi cũng nhiều lắm”. Đó là chưa kể hàng ngày có hàng chục chuyến xe chở rác đi qua đi lại vào bãi rác tạm này khiến những hộ gia đình sống chung quanh bãi rác phải hứng chịu mùi hôi thối.  

Lượng rác thải tại bãi rác tạm ấp Bình Trung ngày càng nhiều, không được xử lý gây tác động xấu đến môi trường
Lượng rác thải tại bãi rác tạm ấp Bình Trung ngày càng nhiều, không được xử lý gây tác động xấu đến môi trường

Đến tận nơi, hiện ra trước mắt chúng tôi là một bãi rác rộng chừng 1ha, ngổn ngang đủ thứ rác thải sinh hoạt. Có những khu vực, rác đã chất thành từng đống cao ngun ngút. Chị Nguyễn Thị Lý, người thu gom rác ở xã Bình Châu cho biết, mỗi ngày chị đổ 3 xe rác sau khi thu gom từ các khu dân cư trên địa bàn xã. Cùng làm với chị còn có 3 người nữa cũng gom rác trên địa bàn xã Bình Châu đến đây để đổ. Sau khi đưa rác về đây đổ, những người thu gom rác tranh thủ nhặt nhạnh những thứ có thể bán ve chai; số rác còn lại họ trải ra ở bãi rác chờ khi nắng lên thì đốt bớt. “Vậy nhưng, có những hôm 3-4 ngày mưa liên tục, lượng rác cứ ứ đọng lại đó, không đốt được”, anh Tám, một người cùng thu gom rác ở Bình Châu cho biết.

Theo quan sát của phóng viên, bãi rác tạm ở ấp Bình Trung nằm lộ thiên, không hề được che chắn cũng như có các giải pháp kỹ thuật hạn chế tác động đến môi trường. Do khối lượng rác thu gom ngày càng lớn nên bãi rác tạm đang ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao. Nguy hại hơn, lượng rác phân hủy và nước từ bãi rác tràn ra môi trường bên ngoài có thể ngấm xuống lòng đất, hòa vào các mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tại khu vực xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, bãi rác này đã tồn tại khoảng 10 năm nay trên địa bàn ấp Bình Trung. Xã Bình Châu hiện có 5.631 hộ dân với 26.000 nhân khẩu, gồm 15 ấp, mỗi ngày trên địa bàn xã phát sinh khoảng 3,1 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, lượng rác từ chợ Bình Châu (khoảng 1 tấn/ngày) được thu gom và đưa về bãi tập kết xử lý rác xã Bưng Riềng. Còn 2,1 tấn rác thải phát sinh trong các khu dân cư được vận chuyển bằng các xe ba gác đầu kéo tự chế vào tập kết tại bãi xử lý rác tạm ở ấp Bình Trung. Xã Bình Châu chưa được trang bị lò đốt nên hầu hết lượng rác này đang được chôn lấp tạm; một lượng ít được những người thu gom rác tự đốt bằng phương pháp thủ công (châm lửa rồi đốt).

Do lượng rác ngày càng nhiều nên việc chôn rác sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm và gây ô nhiễm môi trường, ngày 31/8/2016, UBND xã Bình Châu đã có tờ trình về việc xin trang bị lò đốt rác và một số hạng mục xử lý rác trên địa bàn xã.. Theo đó, UBND xã Bình Châu đề xuất UBND huyện hỗ trợ trang bị cho xã lò đốt rác và một số hạng mục xử lý rác thải sinh hoạt như xe thu gom, sân phơi, củi đốt láng che máy… Tuy nhiên, đến nay huyện Xuyên Mộc vẫn chưa có thông báo chính thức trước đề xuất của UBND xã Bình Châu.

Theo Phòng TN-MT huyện Xuyên Mộc, rác thải là vấn đề nhức nhối của huyện Xuyên Mộc. Bởi trong 7 đơn vị hành chính ở đất liền (trừ Côn Đảo) thì hiện nay chỉ còn huyện Xuyên Mộc chưa được xử lý rác theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Trong khi đó, bãi rác ở xã Bưng Riềng chôn lấp tạm nay lượng rác thải và nước thải cũng đã quá tải, mặc dù khu vực này đã được trang bị lò đốt công suất 5 tấn/ngày. Do đó, lượng rác thải sinh hoạt của xã Bình Châu và các xã khác trên địa bàn huyện Xuyên Mộc vẫn chưa được giải quyết nhằm bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Cũng theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt của huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát sinh mỗi ngày khoảng 50 tấn, nhưng chỉ có khoảng 20tấn/ngày được chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Bưng Riềng, số còn lại khoảng 30 tấn/ngày được đốt tại các bãi tập kết rác tạm của xã sau đó tro được thu gom đưa về chôn tại bãi rác Bưng Riềng. Tuy nhiên, với thực trạng bãi rác Bưng Riêng đã quá tải và những hệ lụy người dân quanh đó đang phải gánh chịu.

Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên, trước mắt các đơn vị chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần vào cuộc quyết liệt, tìm hướng giải quyết, khắc phục  dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác tạm ấp Bình Trung (xã Bình Châu); giải quyết lượng rác tồn dư tại bãi rác Rưng Riềng. Còn về lâu dài thì  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu  cần quan tâm đầu tư các khu xử lý chất thải rắn công nghệ cao để việc bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao nhất.

                                                                            Minh Tâm – Linh Nga