Bà Rịa - Vũng Tàu: Tập trung kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 31/10/2016

(TN&MT) –  Ô nhiễm do nuôi trồng, chế biến thủy sản; chăn nuôi gia súc; sản xuất thép; chất thải rắn sinh hoạt...đang là những nguồn ô nhiễm chính...

 

(TN&MT) –  Ô nhiễm do nuôi trồng, chế biến thủy sản; chăn nuôi gia súc; sản xuất thép; chất thải rắn sinh hoạt...đang là những nguồn ô nhiễm chính ảnh hưởng đến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR –VT).

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh BR-VT, trong 10 tháng đầu năm 2016,  Sở  này  đã  tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường đối với 43 cơ sở sản xuất đang hoạt động trên địa TP. Vũng Tàu,  TP.Bà Rịa, huyện Long Điền,  huyện Tân Thành; 01 Trại heo (thuộc Công ty cổ phần Nam Trung Sơn) tại huyện Xuyên Mộc; 08 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường Đề án bảo vệ môi trường chi tiết Chi nhánh Công ty TNHH Lixil Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân A; Công ty thép Vina Kyoei tại KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành; Bệnh viện Lê Lợi tại thành phố Vũng Tàu; Kiểm tra công tác khắc phục ô nhiễm môi trường tại Bãi rác Phước Cơ làm cơ sở tham mưu báo cáo UBND tỉnh về việc chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra, khảo sát thực tế việc triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Cái Mép, huyện Tân Thành và tình hình đầu tư hoạt động Trại chăn nuôi trâu, bò của Công ty Cổ phần thực phẩm Khải Anh Ký; khảo sát thực tế tại 07 Nhà máy luyện thép trên địa bàn tỉnh để triển khai Kế hoạch lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động;

Tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan của tỉnh và lãnh đạo 07 Nhà máy luyện thép để thống nhất kế hoạch thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động tại các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh BR –VT, địa phương này đang gặp nhiều khó khăn về kiểm soát môi trường trong hoạt động nuôi trồng, chế biển thủy hải sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; ô nhiễm bụi do sản xuất thép; chất thải rắn sinh hoạt.

Việc nuôi cá lồng bè tự phát, thiếu khoa học gây ô nhiễm nguồn nước
Việc nuôi cá lồng bè tự phát, thiếu khoa học gây ô nhiễm nguồn nước

Trong đó, nước thải do hoạt động chế biển hải sản chưa xử lý tập trung, chủ yếu từ các cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình, không đủ khả năng đầu tư xử lý ô nhiễm; do đó việc kiểm soát xả thải các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Về khí thải của các cơ sở chế biến bột cá sẽ vẫn ảnh hưởng đến khu vực xung quanh cho dù khí thải xử lý hiệu suất đạt đến 95% (cao hơn quy chuẩn cho phép) (khí H2S có bán kính xa nhất theo hướng gió chủ đạo khoảng 2,5 km tính từ điểm xả khí thải của các nhà máy bột cá).

Ngoài ra, việc nuôi cá lồng bè tự phát, thiếu khoa học trên sông Chà Và ngày càng tăng, vượt tầm kiểm soát cùng với quy hoạch khu vực này thiếu hợp lý (vừa nuôi trồng vừa chế biến hải sản) dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

 Về ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm: nước thải phát sinh từ 621 cơ sở hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm khoảng 2.646 m3/ngày (quy mô đàn heo từ 50 con và đàn gà từ 1.000 con trở lên), trong đó nước thải phát sinh từ các cơ sở có hệ thống xử lý bằng biogas khoảng 1.609 m3/ngày (khoảng 61%) và chưa xử lý khoảng 1.037 m3/ngày (khoảng 39%).

 Đặc biệt, trong thời gian do  thu hút quá nhiều dự án luyện phôi thép từ phế liệu làm phát sinh một lượng lớn chất thải, đặc biệt là bụi lò thép nhưng trong thời gian qua Tỉnh chưa có giải pháp chủ động để xử lý hiệu quả nên đã gây áp lực lớn đối với môi trường.

Về ô  nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt: ngoài 06 địa phương (TP.Vũng Tàu,  Bà Rịa, huyện Tân Thành,  Long Điền, Châu Đức, Đất Đỏ) đã có giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, 02 địa phương còn lại (Xuyên Mộc, Côn Đảo) vẫn đang xử lý rác thải sinh hoạt chưa đảm bảo, chủ yếu chôn lấp tạm hoặc đốt bằng lò đốt công suất thấp, chưa đảm bảo quy chuẩn môi trường.

Linh Nga