ĐBQH đề nghị ưu tiên các công trình dự án ứng phó với BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2016

(TN&MT) - Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 01/11 đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng cần ưu tiên đầu tư vào các công trình dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, sáng 1/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Phát biểu về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều phương án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huy động, sử dụng vốn vay trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 01/11. Ảnh: Quốc Khánh
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 01/11. Ảnh:Quốc Khánh

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, qua nghiên cứu các văn bản kèm theo Báo cáo của Chính phủ mà cụ thể là các phụ lục dự kiến phân bổ các công trình, dự án đầu tư trong 5 năm tới đối với đầu tư công, bà Kim Bé nhận thấy việc phân bổ theo kế hoạch này chưa bám sát quan điểm tiêu chí phân bổ đầu tư ngay từ đầu đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình, dự án được xác định là công trình cấp bách, trọng điểm vẫn chưa đưa vào kế hoạch này.

Nhận thức được giai đoạn này nguồn tài chính của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng để đầu tư chắc chắn, đem lại hiệu quả cao thì kế hoạch này đã xác định rồi, là đầu tư những công trình, dự án cấp bách, quan trọng được quan tâm ưu tiên đầu tiên như các công trình dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, v.v...

Theo đại biểu Kim Bé, đối với đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo đến 2050 có thể 2/3 diện tích của đồng bằng sông Cửu Long ngập sâu trong nước biển. Song trong 5 năm tới, kế hoạch này chỉ đầu tư một số công trình, dự án xây dựng cống, đập ngăn mặn, trong khi đồng bằng sông Cửu Long kênh, đập chằng chịt.

Các dự án ở vùng này, nếu không tập trung đầu tư đồng bộ sẽ khó đem lại hiệu quả. đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đã hạn chế được đón lũ về để rửa phèn, tạo độ màu mỡ cho đất, nay bị mặn xâm nhập, khó có thể giữ được sự trù phú của một vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long được cả nước giao cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nếu ta không sớm có kế hoạch đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, đê bao, kiểm soát nguồn nước và quy hoạch lại vùng sản xuất cho đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó hoàn thành được sứ mệnh này. Qua vụ mùa phải chịu hạn mặn vừa qua, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nơi có khoảng 80% thanh niên phải bỏ quê đi tìm kiếm công việc, kiếm sống ở nơi xa vì đất không còn sản xuất được.

Tuy nhiên, người dân vùng này kỳ vọng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, của các bộ, ngành chức năng, sự quan tâm và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, các ngành chức năng ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thủy lợi để cứu đồng bằng sông Cửu Long.

“Đây cũng là cứu vùng lúa trọng điểm của cả nước để đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục làm tốt trách nhiệm cả nước giao, đó là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Riêng đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tôi đề nghị Quốc hội sẽ quyết các định hướng, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ, còn mục tiêu dự án đầu tư chi tiết đề nghị nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định” - Đại biểu Kim Bé kiến nghị.

Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)