Cá chết ở Hồ Tây có thể do hiện tượng phú dưỡng tảo
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 03/10/2016
Cá chết dày đặc mặt hồ Tây . Ảnh Hoàng Minh |
PV: Thưa bà, hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt ở Hồ Tây với khối lượng lớn chưa bao giờ xảy ra như những ngày qua, bà có bình luận gì về hiện tượng này?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Hiện tượng cá chết diễn ra tại các hồ trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua là hiện tượng khá phổ biến, nhưng ở Hồ Tây thì gặp ít và hiện tượng cá chết hàng loạt với khố lượng lớn như vài ngày qua thì chưa bao giờ xảy ra.
Hồ Tây có sự khác biệt rất lớn so với các hồ trên địa bàn Hà Nội. Trước hết về độ lớn và hệ thống thủy văn vẫn còn có sự kết nối với sông Hồng đã làm cho hệ thống thủy văn của Hồ Tây tốt. Vì vậy, Hồ Tây có một hệ sinh thái rất độc đáo cũng như các chỉ số sinh học đặc biệt như: cá mè, chim sâm cầm, sen trăm cánh... Chính vì vậy, Hồ Tây đã được định nghĩa như một thủy vực và là một hồ nổi tiếng của Việt Nam nằm trong hệ thống sinh thái đất ngập nước RAMSA. Điều này rất đặc biệt bởi Hồ Tây là một hồ nằm trong lòng đô thị, điều này rất khác so với các hồ như Ba Bể, Núi Cốc...Vì vậy, Hồ Tây có khả năng chịu đựng hơn các hồ khác. Việc cá chết nhiều như vậy, với số lượng lớn, đồng loạt thực sự có thể coi là sự cố hết sức bất thường.
công nhân tích cực thu dọn cá chết . Ảnh Hoàng Minh |
Pv: Theo đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thì nguyên nhân ban đầu được cho hàm lượng ô xy trong nước xuống mức bằng không dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt. Vậy theo bà, ngoài nguyên nhân này còn có những nguyên nhân nào?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Hiện tượng cá chết một cách bất thường với số lượng lớn như vậy thì chỉ có thể nghĩ ngay tới sự thiếu ô xi hòa tan trong nước và ôxi hòa tan xuống mức kỷ lục, có thể = 0 trong khoảng thời gian nhất định dẫn tới cá chết hàng loạt. Bởi ở Hồ Tây thì không có sự tác động của sản xuất công nghiệp nặng mà có thể thải ra hóa chất độc hại... hoặc có thể chịu tác động nhưng mang tính từ từ chứ không bị tác động lớn như các thủy vực khác.
Nguyên nhân khiến ô xy hòa tan giảm xuống là do một lượng lớn tảo chết khi phân hủy sẽ hút hết ô xy trong nước. Điều đó có thể xảy ra khi hiện tượng phú dưỡng phát triển cực mạnh, gây ra sự phát triển tảo đột biến. Khi tảo chết sẽ có hiện tượng như trên.
Hiện tượng phú dưỡng tảo mạnh thông thường do trong nước có quá nhiều chất Nito và Phốt pho, hay còn gọi là ô nhiễm dinh dưỡng (quá nhiều chất dinh dưỡng cho tảo, khiến tảo chết). Trong khi đó, xung quanh Hồ Tây có rất nhiều nhà hàng có thể xả nước thải có chứa hàm lượng hữu cơ xuống lòng hồ. Trong khi đó vừa qua có những trận mưa lớn, kéo theo 2 chất này xuống hồ, trong những điều kiện nhất định khiến cho tảo nở đồng loạt, khi tảo chết sẽ phân hủy 2 chất đó làm giảm ô xi trong nước. Điều này khiến cho lượng ô xy trong nước giảm kỷ lục và hàm lượng amoniac tăng khiến cho cá chết đồng loạt.
Bên cạnh đó, có thể nhận định một nguyên nhân khác đó là do đáy Hồ Tây lâu nay cũng chưa được nạo vét khiến thể tích của hồ bị giảm. Đồng thời cũng không thể ngoại trừ yếu tố khác như lượng cá quá nhiều, không thể kiểm soát được số lượng cá do hàng năm có một lượng cá phóng sinh xuống hồ là rất lớn...Điều này cũng khiến cho mật độ cá trong hồ quá lớn khiến hồ trở lên quá tải gây ra cá chết.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. |
Pv: Cá chết đồng loạt với số lượng lớn tại Hồ Tây được xem như tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ các cơ quan chức năng Hà Nội về sự sống của các hồ trên địa bàn thủ đô. Vậy giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm tại Hồ Tây nói riêng và các hồ trên địa bàn Hà Nội nói chung, thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Lý: Câu chuyện về ô nhiễm hồ, nước, mà điển hình là hiện tượng cá chết những ngày qua ở Hồ Tây rất cần những giải pháp dài hạn và mang tính tích hợp. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước phải phụ thuộc vào thể chế, luật pháp, khả năng kiểm soát ô nhiễm vào nước... Nhưng khả năng này phụ thuộc rất nhiều nền tảng khoa học, công nghệ, tài chính, năng lực của những người quản lý và khả năng tích hợp công tác bảo tồn, nhiều biện pháp khác để tạo ra một cơ thể nước nước khỏe mạnh. Đây là một quy trình tổng thể và đòi hỏi chính sách mạnh mẽ, minh bạch, quyết liệt.
Hiện nay, sẽ không có giải pháp nào ngắn hạn mà phải là giải pháp tổng thể, đồng thuận chức năng của hồ Hà Nội. Chừng nào các hồ Hà Nội vẫn là một phần của hệ thống thoát nước, thì chừng đó các hồ vẫn phải tiếp nhận lượng nước thải nhất định. Điều đó có nghĩa là hồ Hà Nội không bao giờ có nước sạch. Vì vậy, phải tạo ra một sự đồng thuận là nếu chúng ta quyết định đưa tất cả các hồ Hà Nội có chức năng môi trường là chính, chức năng cảnh quan, chức năng xã hội... Thì việc bảo vệ nước hồ, bảo vệ chất lượng hồ như một hệ sinh thái là một điều tiên quyết và phải được hiểu sâu sắc về hệ sinh thái sống còn của hồ, chất lượng nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có biện pháp quyết liệt làm thế nào để nước thải chưa qua xử lý sẽ không trực tiếp chảy xuống hồ. Ở một chừng mực nào đó, nước trong hồ sẽ thiếu nhưng với những biện pháp cơ học (nạo, vét lòng hồ, thu gom rác thải...), và ngay cả nước mưa cũng cần phải có những biện pháp ngăn chặn rác thải. Đây là những biện pháp vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính quản lý để thể cải thiện chất lượng nước dưới hồ.
Ngoài ra, sự tham gia của các bên và sự giám sát của cộng đồng cục kỳ quan trọng. Những kiến thức bảo tồn và hệ sinh thái phải hết sức quan trọng, nền tảng khoa học vững vàng. Nếu chúng ta có thể làm bất kỳ biện pháp nhanh mà thiếu những các giải pháp trên thì sau một thời gian chúng ta sẽ quay lại câu chuyện như hiện nay.
Nguyễn Cường – Vũ Vân