Quảng Ngãi: Dân vùng sạt lở bước vào "mùa lo"

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/09/2016

(TN&MT) - Mùa mưa bão đang cận kề, nhiều người dân sống trong vùng sạt lở miền núi, ven sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang âu lo bởi tình trạng xâm thực, sạt lở đang ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng, nhà cửa, hoa màu của họ. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp căn cơ chống sạt lở vì thiếu kinh phí.
Người dân ven sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi luôn thấp thỏm với nỗi lo sạt lở
Người dân ven sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi luôn thấp thỏm với nỗi lo sạt lở

Lở từ núi ra sông

Sống sát ngay dưới chân núi Rapon, cứ đến mùa mưa lũ hơn 60 hộ dân Hre ở thôn 2, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương vẫn chưa xây dựng khu tái định cư để di dời số hộ này ra khỏi vùng nguy hiểm. Bà Phạm Thị Tháo (70 tuổi, có nhà sát chân núi) lo lắng: “Cứ chuẩn bị vào mùa mưa bão là đất ở chân núi lại sạt lở. Biết ở đây là nguy hiểm vì móng nhà sát chân núi, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Mong sớm được Nhà nước quan tâm hỗ trợ di dời để sống yên tâm hơn”.

Ông Phạm Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết, tình trạng rạn nứt, sạt lở núi nơi đây ngày càng diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng cuộc sống gần 60 hộ dân ở thôn 2, xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa với khoảng 240 nhân khẩu.“Hầu hết các hộ dân sống ngay sát dưới chân núi này nên mùa mưa lũ ập về hàng trăm tấn đất đá trên núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Để phòng tránh nguy hiểm tính mạng cho người dân nơi đây, chúng tôi đã đề xuất tỉnh khẩn cấp xây khu tái định cư với tổng vốn 15 tỷ đồng để di dời người dân đến nơi ở mới an toàn"- ông Sơn cho biết thêm.

Hiện chính quyền địa phương xã Nghĩa Sơn cũng đã lập đội cứu hộ cứu nạn với 30 thành viên nhằm kịp thời hỗ trợ ứng cứu, di dời người dân vùng sạt lở núi đến nơi an toàn nếu có mưa lũ lớn xảy ra.

Tương tự, tại bờ sông Vệ,  thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), nỗi lo sạt lở dường như cũng chưa bao giờ dứt, thậm chí nó còn ám ảnh họ cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông Hồ Thanh Hà ở thôn An Chỉ Tây cho biết, năm nào cũng vậy, cứ nghe thông báo có bão lũ, là hàng chục hộ dân ở đây phải lo dọn dẹp đồ đạc để di dời vào trung tâm xã tá túc. Mới vào tháng 2/2016, nước lũ từ đầu nguồn đổ về đã cuốn phăng 4m con đường liên thôn. Bây giờ mép sông chỉ còn cách nhà vài bước chân.

“Chúng tôi chỉ mong được yên ổn chứ không phải nhìn nước sông mà sống, rồi cứ có mưa là…chạy! Đã nhiều năm rồi, bà con trong thôn mong chờ chính quyền dựng kè chống sạt lở, hoặc kiếm chỗ nào an toàn rồi chuyển hẳn chúng tôi đến ở nhưng đến giờ mong ước đó vẫn chưa thành hiện thực”- ông Hà trải lòng.

Trước tình trạng sạt lở ngày càng nặng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tiền mua tre để trồng dọc bờ sông để chống sạt lở. Tuy nhiên, cũng phải mất rất nhiều thời gian cây tre mới trưởng thành để giữ được đất, trong khi tình hình mưa lũ đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn và gây thiệt hại nặng nề cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn và gây thiệt hại nặng nề cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Cần có giải pháp căn cơ

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi - Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 150 điểm sạt lở núi, ven sông, ven biển với hơn 3.500 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, hơn 2.500 hộ cần di dời khẩn cấp. Trong khi đó việc xây dựng kè chống sạt lở và di dời dân ra khỏi vùng sạt lở vẫn chưa được triển khai vì thiếu kinh phí. Do đó, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm được xem là giải pháp ưu tiên nhằm chủ động ứng phó với sạt lở của tỉnh Quảng Ngãi trong mùa mưa lũ năm nay.

Ông Nguyễn Mậu Văn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, năm 2015, dù không xảy ra các đợt mưa bão lớn, song ở nhiều xã ven biển, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi vẫn xảy ra tình trạng sạt lở, trong đó có cả một số khu vực đã có kè chắn sóng. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đây cũng là nỗi lo thường trực của chính quyền địa phương và người dân trong mùa mưa bão năm 2016. Để khắc phục dứt điểm tình trạng trên, kinh phí dự kiến lên đến hơn 1.600 tỷ đồng. Điều này ngoài khả năng của địa phương. “Trong khi chưa có nguồn vốn để đầu tư các công trình kiên cố thì tỉnh chỉ đạo những các địa phương có nguy cơ sạt lở cao phải xây dựng phương án việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiể khi xảy xa bão lũ để bảo vệ tính mạng của người dân”.

Ông Võ Minh Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh cho hay: Khi bão hình thành thì mức độ rủi ro đối với các xã ven biển là tương đối cao. Chính vì thế, ngay từ đầu, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng các phương án và kế hoạch để bà con chủ động ứng phó với các đợt mưa, bão. Đối với các địa phương có nguy cơ sạt lở, chính quyền xã cũng đã có những phương án di dời đến những nơi an toàn, nhằm đảm bảo tốt nhất về tính mạng và tài sản của người dân.

Để hạn chế mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, đất sản xuất của nhân dân trong khi chờ kinh phí từ Trung ương, UBND tỉnh huy động địa phương và người dân chủ động làm bờ bao, bờ kè bằng phương pháp thủ công; khuyến cáo các địa phương cần phải ngăn chặn tình trạng khai thác cát ở sát bờ sông để tránh nước đổi dòng.Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tạm thời chưa đủ để đảm bảo không còn sạt lở xảy ra. Về lâu dài, các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cần đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở và xây dựng các khu tái định cư để di dời dân đến nơi an toàn.

Bài & ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh