Quy hoạch tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất: Xây dựng phương pháp lồng ghép

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/09/2016

(TN&MT) - Xây dựng phương pháp lồng ghép các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất nhằm quản lý, sử dụng bền vững và phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường là một định hướng đúng đắn song không dễ. Để có một phương pháp cụ thể mang tính định hướng cho quy hoạch loại này, đảm bảo các mục tiêu lâu dài mà Chính phủ đã đề ra, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đã thực hiện Đề tài khoa học Nghiên cứu xây dưng phương pháp lồng ghép các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam.

Công cụ điều hành vĩ mô mới

Hiện nay, trên thế giới nhiều vấn đề như giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hay đói nghèo đã được tích hợp vào trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Các điển hình có thể đề cập đến như:  Philipine - vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai được lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển không gian phát triển khác. Hay tại Uganda – vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được tích hợp vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực như: Chính sách phân bổ ngân sách quốc gia, Chiến lược phát triển nông nghiệp, Chiến lược phát triển giao thông, xây dựng và truyền thông; Đất nước Nam Phi thực hiện vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học được tích hợp vào trong quy hoạch không gian sử dụng đất và quy hoạch phát triển dầu khí và khí đốt.

Ở Việt Nam, trong những năm đầu của thập niên 1980, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã bước đầu nghiên cứu xây dựng Sơ đồ tổng thể phân bố lực lượng sản xuất cho cả nước. Đây là một loại quy hoạch phát triển dựa vào các lợi thế của tự nhiên và các nguồn lực khác hiện có. Tuy vậy, việc nghiên cứu này đã bị gián đoạn và bỏ dở vì nhiều nguyên nhân. Từ đó đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến việc tích hợp các quy hoạch, chiến lược quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất các cấp nhằm sử dụng bền vững tài nguyên. Hiện, việc tích hợp các vấn đề như: giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển đang tích cực được xem xét, nghiên cứu và triển khai. Đây được coi là tiền đề quan trọng nhằm thực hiện xây dựng lồng ghép các quy hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên có liên quan tới đất đai.

Xây dựng phương pháp lồng ghép các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh
Xây dựng phương pháp lồng ghép các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh

Trong khi đó, hiện, có một thuận lợi lớn đó là Bộ TN&MT Bộ quản lý đa ngành, trong đó, mỗi một lĩnh vực lại là một chuyên ngành lớn (như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, quản lý biển và hải đảo, quản lý khoáng sản…). Các lĩnh vực tương đối độc lập song lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau xét trên bình diện không gian lãnh thổ và tác động đến hiệu quả phát triển kinh tế. Nếu quy hoạch sử dụng đất không được lập dựa trên việc tích hợp các quy hoạch, chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ rất khó tránh khỏi sự chồng chéo, thậm chí, mâu thuẫn, xung đột giữa các quy hoạch và các chiến lược, gây khó khăn cho chỉ đạo điều hành vĩ mô của Bộ và Chính phủ. Trên thực tế đã có những ngành, địa phương phản ánh khó có thể triển khai tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch cụ thể do “loạn” chiến lược, quy hoạch. Vấn đề đề đặt ra là tất cả các quy hoạch, chiến lược của các ngành và quốc gia đều có giới hạn về phạm vi không gian và thời gian: thực hiện ở đâu và trong trong giai đoạn nào… Quy hoạch hoặc chiến lược nào phải tiến hành trước, ngành hay lĩnh vực nào phải tuân thủ hoặc kế thừa…. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải tích hợp các quy hoạch, chiến lược quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên (đặc biệt là tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước) vào quy hoạch sử dụng đất nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và sử dựng tiết kiệm, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường (thực chất đây là yêu cầu bức thiết về một công cụ chính sách điều hành vĩ mô mới).

Hình thành được phương pháp lồng ghép

Sau 2 năm thực hiện điều tra, khảo sát tại 6 tỉnh (thuộc 3 vùng Bắc Bộ: Quảng Ninh và Hải Phòng; Trung Bộ: Nghệ An và Quảng Bình và Nam Bộ: Đồng Nai và Tây Ninh) để đánh giá thực tiễn công tác lập quy hoạch sử dụng đất, thực tế thực hiện quy hoạch sử dụng đất, các nguyên do cơ bản dẫn đến sự điều chỉnh phương án quy hoạch sử dụng đất, sự xung đột giữa các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên với quy hoạch sử dụng đất… Các nhà khoa học đã xây dựng được phương pháp luận về lồng ghép các quy hoạch, chiến lược về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất, trong đó, đề xuất rõ cơ sở lý luận về phương pháp lồng ghép các quy hoạch, chiến lược về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng được bộ tiêu chí lồng ghép nội dung chủ yếu của các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất, trong đó, thể hiện các nội dung quan trọng của các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, nhóm các nhà khoa học đã xuất bản được tài liệu hướng dẫn phương pháp lồng ghép các quy hoạch và chiến lược về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất, trong đó, có hướng dẫn chi tiết phương pháp lồng ghép các quy hoạch và chiến lược về tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất cho các đối tượng tham gia lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ TN&MT ban hành các chính sách, quy định nhằm đưa các yếu tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch sử dụng đất hướng tới mục tiêu quản lý, sử dụng bền vững và phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích chính quyền các cấp, cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu này cũng đồng thời kiến nghị: Để nâng cao hiệu quả và tính khả thi của các loại quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất cần được lập, thẩm định đồng thời với các quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên. Thành phần Tổ tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất nhất thiết phải có chuyên gia về tài nguyên thiên nhiên - những chuyên gia trực tiếp lập quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên cùng kỳ và cần thống nhất kỳ quy hoạch cho cả Quy hoạch sử dụng đất và các Quy hoạch về tài nguyên thiên nhiên.

Minh Thư