Kiểm lâm Việt Nam - Lào: Hợp tác quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 31/08/2016

(TN&MT) - Cục Kiểm lâm Việt Nam cùng với Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào vừa tổ chức Hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực hiện Biên bản ghi nhớ về sự hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ rừng, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và động vật hoang dã năm 2015 – 2016 tại Đà Nẵng
Quang cảnh buổi Hội nghị hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ rừng, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và động vật hoang dã năm 2015 – 2016 giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào tại Đà Nẵng
Quang cảnh buổi Hội nghị hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ rừng, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản và động vật hoang dã năm 2015 – 2016 giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào tại Đà Nẵng

Tham dự hội nghị thường niên lần này, phía Việt Nam có ông Đỗ Trọng Kim – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, phía Lào có ông Khamphout Pandanouvong – Cục trưởng Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào, ngoài ra còn có các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, Tổng cục Lâm nghiệp, các Chi cục Kiểm lâm có đường biên giới với Lào.

Tại Hội nghị, ông Lê Đình Thơm- Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Cục Kiểm lâm) cho biết, trong những năm qua, Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào đã tăng cường hợp tác kiểm soát khai thác gỗ trái phép ở các khu vực biên giới có rừng, kiểm soát, đối chiếu việc xuất nhập khẩu gỗ và động vật hoang dã trong một số tuyến đường mòn biên giới. Chủ động phát dọn đường băng cản lửa tại đường biên giới để phòng ngừa việc cháy lan từ hai bên, tại các trọng điểm cháy rừng như Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huaphanh, Bolikhamxay…

Đặc biệt, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống cháy rừng, chống buôn bán, khai thách lâm sản và các loài động vật hoang dã. Đẩy mạnh thực thi các cam kết, công ước của khu vực và quốc tế như: Công ước quốc tế về Buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Chương trình giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), Mạng lưới hợp tác ASEAN chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã (ASEAN – WEN) và các sáng kiến quốc tế khác.

Về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam bước đầu đã đạt nhiều kết quả khả quan. Diện tích rừng, độ che phủ của rừng tăng, chất lượng rừng từng bước được cải thiện, số vụ phá rừng trái phép có xu hướng giảm dần qua các năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp nghiệm thu kết quả tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc để xác định và nắm bắt trữ lượng rừng, diện tích đất chưa có rừng để gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi cả nước.

Nổi cộm gần đây nhất là vụ phá rừng pơmu tại khu vực biên giới Việt – Lào ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
Nổi cộm gần đây nhất là vụ phá rừng pơmu tại khu vực biên giới Việt – Lào ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Đại diện các Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Thanh tra Lâm nghiệp cho biết thêm, tình trạng buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã qua biên giới Việt Nam – Lào còn phức tạp. Nhiều loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đang đối mặt với nạn săn, bắt và buôn bán trái phép, dẫn tới nguy cơ tuyệt  chủng. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng rừng khu vực biên giới bị chặt phá, khai thác trái phép nhưng không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Kế hoạch trong giai đoạn 2016 – 2017, Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào đẩy mạnh phối hợp trong tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng giáp ranh, xử lý không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trong vùng giáp ranh giữa hai nước.

Ngoài ra đặc biệt, kiểm soát gỗ xuất nhập khẩu qua biên giới, không để lợi dụng trà trộn gỗ không nguồn gốc để hợp thức hóa qua nhập khẩu; tăng cường trao đổi thông tin về hợp tác quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Tích cực tham gia cùng cộng đồng các nước trong các vấn đề về giảm phát thải từ mất rừng, giảm phát thải từ suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon, quản lý rừng bền vững, nâng cao trữ lượng carbon của rừng.

                    Võ Hà