Nguy cơ "nhập khẩu" ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 21/07/2016

(TN&MT) - Quản lý các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức đặc biệt với công tác bảo vệ môi trường.
Nhiều lỗ hổng quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Ảnh: MH
Nhiều lỗ hổng quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Ảnh: MH

Đầu tư “đi kèm” ô nhiễm

Không thể phủ nhận những  lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài khi đổ nguồn tài chính vào Việt Nam đã làm “thay da đổi thịt” nhiều vùng quê nghèo khó. Tuy vậy, theo Nghiên cứu đánh giá về tình hình tuân thủ chính sách pháp luật bảo vệ môi trường do Trường đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện năm 2015 vừa công bố mới đây cho thấy: có 60% tổng số doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn. Trong đó, 23% doanh nghiệp FDI xả vượt quy chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần.

Gần 70% doanh nghiệp FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường từ 10 đến 50% chi phí so với đầu tư ở nước họ. Tháng 4/2016, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố nghiên cứu tác động môi trường của khu vực FDI tại Việt Nam. Tại buổi công bố này, đại diện CIEM cảnh báo: Ngày càng nhiều dấu hiệu FDI trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào Việt Nam.

Điển hình năm 2008, Công ty Vedan Việt Nam xả thải, gây ô nhiễm trên sông Thị Vải (Đồng Nai). Với việc xả chui 100.000 m3 nước thải độc ra sông mỗi tháng,  bán kính ô nhiễm rộng tới 10km dọc bờ sông Thị Vải, Vedan đã làm thiệt hại gần 2.700 ha nuôi trồng thuỷ sản của Đồng Nai, TP. HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Và mới đây nhất, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Đài Loan đã xả thải hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế). Các cơ quan ban ngành của Việt Nam đã phát hiện 53 hành vi vi phạm của Fomosa về hành chính, trong đó, liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, vấn đề qua giai đoạn thử nghiệm có dấu hiệu xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo đúng quy trình, quy định của Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề tới đời sống của bà con ngư dân ven biển. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những địa phương thu hút vốn đầu tư FDI về những nguy cơ gây thiệt hại kinh tế và ô nhiễm môi trường.

Nhiều “lỗ hổng” quản lý

Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài bởi môi trường đầu tư thuận lợi, chính trị ổn định điều này đặt ra nhiều cơ hội cho nước ta phát triển, đặc biệt, đó là phương thức quản lý phải đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư vừa bảo vệ môi trường. Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do muốn có lợi nhuận tối đa. Do đó, nếu chúng ta làm nghiêm túc, buộc họ phải bảo vệ môi trường. Song, khâu giám sát môi trường của chúng ta còn lỏng lẻo.

Bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Chính sách Trung tâm Con người  và Thiên nhiên chỉ ra rằng, trong việc quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn tồn tại sự chồng chéo và thiếu sự lồng ghép giữa các quy hoạch ví dụ như quy hoạch dệt may và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thủy điện và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. “Theo báo cáo, chỉ có 10% các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với các dự án và bản thân chất lượng các ĐMC cũng còn rất hạn chế và ĐMC ít khi được làm, đồng thời, với quy hoạch” – bà Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt đầu tư cũng tồn tại nhiều hạn chế khi vai trò của đánh giá tác động môi trường trong quá trình ra quyết định với dự án rất hạn chế bởi tính độc lập trong quá trình thẩm định ĐTM, Bộ TN&MT thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội, Thủ tướng, liên ngành, liên tỉnh, UBND tỉnh thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Điều này dẫn tới việc không có sự đồng nhất, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị gây khó khăn trong công tác quản lý một cách hiệu quả.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngay cả việc quản lý môi trường khi thực hiện hay khi dự án đi vào vận hành việc quan trắc môi trường ít nhất 4 lần/ năm lại do chính doanh nghiệp chủ động thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Hệ thống quan trắc tự động chỉ đo được những thông số đơn giản. Điều này dễ dẫn tới tình trạng đối phó, không minh bạch trong quá trình thực hiện bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Trong khi đó, các hoạt động thanh, kiểm tra nhìn chung đều theo chương trình đã được thống nhất và báo trước nên hiệu quả xử phạt (nếu có) thường không tương xứng với những hành vi mà doanh nghiệp gây ra.

Với những lỗ hổng pháp lý như hiện nay, các chuyên gia đưa ra cảnh báo rủi ro pháp lý liên quan đến môi trường mà chúng ta phải hứng chịu là điều hoàn toàn có thể. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và xây dựng danh sách những ngành công nghiệp hạn chế đầu tư và đầu tư có điều kiện dựa trên đánh giá về mức độ gây ô nhiễm. Đồng thời, tăng cường tính độc lập và minh bạch trong quá trình phê duyệt ĐMC và ĐTM bằng cách công khai thông tin và tham vấn cộng đồng rộng rãi. Quan trọng là việc nâng cao hơn nữa cải cách thể hế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo ra nhiều ưu thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp…

Nguyễn Cường