Rủi ro và sự chia sẻ lợi ích cần có trên lưu vực sông Mê Kông

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/07/2016

(TN&MT) - Sáng 20/7, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức tọa đàm “Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới ĐBSCL”, nhằm đưa ra một số nhận xét ban đầu về ảnh hưởng đến nhu cầu tưới tiêu tại các vùng tới lưu vực sông Mê Kông;  Đồng thời, kiến nghị về hành động cụ thể mà Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới đối với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.
TS Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm.
TS Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Thi nhau xây đập trữ nước

Hiện nay, một số dự án chuyển nước sông Mê Kông ở Thái Lan  đang được triển khai như: Dự án tuyến Mê Kông Huai Luang-Nong Han-Lam Pao dự kiến xây dựng khoảng 30 hồ chứa gần hợp lưu của các sông nhánh với sông Mê Kông để chuyển nước sông Mê Kông vào trữ tại các hồ chứa, tưới cho các vùng canh tác; Dự án Kong-Loei-Chi-Mun chuyển nước từ sông Mê Kông về lưu vực sông Chi/Mun vùng Đông Bắc. Bên cạnh đó, Campuchia cũng đang ráo riết đầu tư vào dự án tưới tiêu theo hướng lấy nước hoặc giữ nước từ sông Mê Kông nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

TS Nguyễn Nhân Quảng cho biết thêm, nếu tất cả các dòng nhánh bên bờ hữu sông Mê Kông thuộc Thái Lan (khoảng trên 20 sông nhánh lớn nhỏ) đều có các cống/trạm bơm lấy/chuyển nước vào trữ trong các hồ chứa thì cùng với các dự án tương tự ở Campuchia, lượng nước lũ về ĐBSCL của Việt Nam sẽ giảm bớt. Cộng với tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ do việc tích nước và vạn hành các đập thủy điện trên thượng lưu, hiện tượng “lũ đẹp” thường thấy trước đây ở ĐBSCL vì thế ít xuất hiện hơn. Tác dụng thau chua, rửa phèn, bồi bổ phù sa cho các diện tích canh tác ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ dòng chảy mùa mưa/ lũ và tác động tới hệ sinh thái môi trường thủy sinh, các loài cá...

Cần sự chia sẻ lợi ích trên dòng chính sông Mê Kông

Theo TS Nguyễn Nhân Quảng, Chuyên gia Quản lý lưu vực sông cho rằng, nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, ĐBSCL của Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro của từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông. Đầu năm 2016, Thái Lan đã xây dựng kịch bản phát triển tưới tiêu vùng Đông Bắc đến năm 2040. Theo kịch bản này, lợi ích mang lại rất đáng kể (3,3 triệu ha được tưới, sản lượng lương thực đạt khoảng 9,8 triệu tấn/năm, 1,6 triệu gia đình được hưởng lợi...). Tuy nhiên, kịch bản này cũng sẽ gây ra nhiều tác động đối với người dân địa phương và môi trường,.

Lưu vực sông Mê Kông có diện tích khoảng 795.000 km2 với tổng dung lượng nước hàng năm khoảng 47 tỉ m3. Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều, trong đó, Trung Quốc chiếm 16%, Myanmar 02%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18 và Việt Nam 11%. Nông nghiệp là ngành sử dụng nước chủ yếu trong hạ lưu vực Mê Kông và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới. Hiện, trong hạ lưu vực có khoảng 11.420 dự án tưới đang hoạt động phục vụ cho khoảng 4 triệu ha. Trong đó, 87% tưới cho lúa vụ mùa mưa, 31% tưới lúa mùa khô và 15% tưới cho các cây trồng khác. Sự gia tăng này gắn liền với các kế hoạch mở rộng nông nghiệp và phát triển hệ thống tưới tiêu, thủy lợi của các quốc gia trong khu vực. 

Vì vậy, theo TS Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xác định vấn đề chuyển nước là một vấn đề quan trọng, đe dọa đến hạ lưu sông Mê Kông ở Việt Nam. Trong khi đó, công nghệ tưới tiêu ở Thái Lan và Campuchia đã phát triển mạnh. Vì thế, Việt Nam cần phải giải bài toán kết hợp giữa thủy điện và chuyển nước sao cho hài hòa. Đồng thời, Chính phủ các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông cần xác định việc chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các nước thuộc hạ du nguồn sông chính như Việt Nam. Các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để đưa ra bản thỏa thuận hợp tác tất cả cùng có lợi để đưa cái nôi sản xuất lương thực thực phẩm đa dạng hơn.

Vũ Vân