Hải Dương: Dân sống gần cơ sở tái chế nhựa khổ vì ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2016

(TN&MT) - Nhiều năm qua, một số nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương, người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng từ các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa. Mặc dù, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp, nhưng việc xử lý chỉ “nửa vời” không mang lại hiệu quả, khiến các hộ gia đình ở những nơi này chỉ biết “kêu trời”.

Dân sống chung ô nhiễm

Khi bước chân đến đầu thôn Hỷ Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chúng tôi đã hít mùi két lẹt khói của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa phế thải. Chỉ trong vài phút  mà đã thấy đau đầu, tức ngực khó thở… mới thấy được bao năm qua, người dân ở đây đã phải khổ sở như thế nào khi chịu cảnh như “tra tấn” bởi môi trường ô nhiễm từ cơ sở sản xuất, tái chế nhựa phế thải.

Cơ sở sản xuất, tái chế nằm cách nhà dân chỉ vài chục mét. Nhựa, bao bì phế liệu được tập kết trên đất công, chiếm cả đường vào nghĩa trang của thôn. Không chỉ có khói độc hại mà tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người dân. Nguồn nước thải không qua xử lý được xả trực tiếp xuống hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Theo một người dân thôn Hỷ Duyệt, tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở tái chế nhựa gây ra kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Mặc dù, người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng khói bụi, tiếng ồn vẫn hành hạ cả thôn.

Nước thải của cơ sở tái chế nhựa ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) xả trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước của khu phố Ga
Nước thải của cơ sở tái chế nhựa ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) xả trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước của khu phố Ga

Người dân ở khu phố Ga, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành cũng thường xuyên phải ngửi mùi khó chịu từ 2 cơ sở tái chế nhựa phế thải nằm trên địa bàn thị trấn. Những người dân khu phố khi trao đổi với phóng viên cho biết: Nhiều năm trôi qua, các gia đình ở đây phải sống chung với mùi nhựa khét lẹt của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa bay thẳng vào trong nhà gây khó thở, khiến nhiều người sống gần bị viêm phổi, viêm xoang, đau đầu. Trong quá trình làm sạch nhựa phế thải, nước thải chứa bùn đất, sợi nilon cùng các loại chất bẩn không được xử lý bị xả thẳng xuống hệ thống cống thoát nước của khu, gây ách tắc dòng chảy. Cơ sở tái chế nhựa này do ông Lưu Văn Thuyên thuê lại mặt bằng của Công ty CP Phú Minh để sản xuất. Hàng ngày, một lượng nhựa phế thải khổng lồ được tập kết trên bãi đất trống trong khuôn viên của cơ sở nhưng không được che đậy. Phía sau, một ống nhựa thu nước thải thông thẳng ra hố nhỏ được chủ cơ sở ngăn lại bằng tấm lưới để chặn bùn, đất trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, do lưới rách, bờ ngăn bị vỡ khiến lượng bùn, đất và sợi nilon vẫn tràn xuống hệ thống cống thoát nước của khu gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Chính quyền cơ sở ở đâu?

Hiện nay, Hải Dương có nhiều cơ sở sản xuất, tái chế nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Như cơ sở gây ô nhiễm môi trường thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, UBND xã Đồng Tâm đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh và có báo cáo gửi UBND huyện. Tháng 7/2015, UBND huyện Ninh Giang đã ra quyết định xử phạt cơ sở này 24 triệu đồng do các hành vi: chuyển mục đích sử dụng đất gieo cấy lúa trái pháp luật, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không có cam kết bảo vệ môi trường và không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Quyết định xử phạt cũng yêu cầu chủ cơ sở khôi phục tình trạng ban đầu của diện tích đất; triển khai các biện pháp quản lý chất thải nguy hại, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian 9 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua, chủ cơ sở mới nộp phạt 10 triệu đồng và chưa triển khai bất cứ biện pháp quản lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định. Máy nghiền nhựa vẫn tiếp tục hoạt động, nước thải vẫn xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Chính vì vậy, dư luận đang bức xúc và đặt ra câu hỏi nguyên nhân vì sao, sai phạm đã “như ban ngày” mà không được xử lý dứt điểm?

Đống phế thải của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang không đảm bảo quy định về môi trường
Đống phế thải của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang không đảm bảo quy định về môi trường

Mặc dù khói bụi, nước thải của cơ sở tái chế nhựa ở thôn Hỷ Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân từ năm 2010, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý. Khi người dân có đơn thư phản ánh, UBND xã đã làm việc với chủ cơ sở, với yêu cầu thu dọn, trả lại mặt bằng chung cho thôn. Tuy nhiên, những yêu cầu của chính quyền địa phương không có tác dụng. Phế thải vẫn được tập kết, công nhân vẫn hoạt động nhộn nhịp và khói vẫn xả vào nhà dân.

Nhiều nơi, người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện đang phải sống chung ô nhiễm do các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa nằm trong khu dân cư gây ra. Và chỉ đến khi có ý kiến người dân, chính quyền mới vào cuộc, nhưng lại xử lý theo kiểu “nửa vời” khiến dư luận không đồng thuận. Rất cần câu trả lời của cơ quan có thẩm quyền, để người dân được sống môi trường không còn ô nhiễm.

Bài & ảnh: Phạm Hoàng