Cơ chế hút vốn tư nhân xử lý môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 04/07/2016

(TN&MT) - Việt Nam có nhiều lợi thế trong vấn đề dịch vụ xử lý môi trường nhưng thực tế, việc khu vực tư nhân tham gia trong lĩnh vực môi trường còn khiêm tốn. Đối tác công tư PPP (Public - Private Partnership) là hình thức Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Đây là khái niệm mới ở nước ta nhưng đã rất phổ biến trên thế giới.
Kinh tế hóa, xã hội hóa các hoạt động BVMT hiệu quả và bền vững. (Ảnh: Hoàng Minh)
Kinh tế hóa, xã hội hóa các hoạt động BVMT hiệu quả và bền vững. (Ảnh: Hoàng Minh)

Đối mặt với khoản tài chính môi trường

Để thực hiện thành công kế hoạch bảo vệ môi trường, nước ta cần huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi, khả năng đáp ứng chỉ đạt 50 - 60%. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chỉ tính riêng nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường của 18 ngành và lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở nước ta đã lên đến 124.000 tỷ đồng, trong khi đó, giai đoạn 2006 - 2010, nước ta chỉ kêu gọi được nguồn vốn ODA với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ USD cho các chương trình có liên quan đến bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Điều này cho thấy, tính cấp bách của vấn đề về nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, mặc dù, nguồn thu từ thuế môi trường ở nước ta có tăng, nhưng vẫn hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn ngân sách luôn có hạn và yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có các định hướng cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn từ tư nhân (cả từ vốn đầu tư nước ngoài), khi mà hình thức kêu gọi đầu tư theo mô hình dự án BOT, BT đã bộc lộ những khó khăn và nhược điểm. Nhằm bù đắp khoản thiếu hụt đó, chúng ta đã phải huy động các nguồn khác nhau như ODA, trái phiếu Chính phủ…

Để có cơ sở khoa học cho việc đề xuất chính sách hợp tác công tư trong vấn đề xử lý môi trường, Tổng cục Môi trường đã thực hiện nghiên cứu Đề tài khoa học về cơ chế đối tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng chủ trương và mục tiêu kinh tế hóa, xã hội hóa các hoạt động BVMT hiệu quả và bền vững, nhằm huy động tối đa nguồn lực kỹ thuật, tài chính và thể chế từ Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước và cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp BVMT ở Việt Nam

Nghiên cứu này đặt mục tiêu phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về xã hội hóa và đa dạng nguồn lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mối quan hệ đối tác công tư; phân tích thực trạng khuôn khổ thể chế và hoạt động đầu tư theo hình thức PPP ở Việt Nam hiện nay, từ đó, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển cơ chế đối tác công tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nguy hại. 

Thuế và cổ phần, hấp dẫn đầu tư

Các kết quả nghiên cứu từ 16 tỉnh, thành trong cả nước về cơ chế tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường cho thấy, đóng góp của Chính phủ vào một hợp tác Nhà nước - Tư nhân có thể dưới dạng đầu tư tư bản (thông qua tổng thu nhập từ thuế), chuyển nhượng cổ phần, những cam kết hợp tác khác hay bất cứ hành động nào ủng hộ cho quá trình hợp tác. Thêm vào đó, Chính phủ có thể nâng cao trách nhiệm của xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, nhận thức của người dân và kêu gọi ủng hộ trên phương diện chính trị. Vai trò của khu vực tư nhân trong hợp tác là tận dụng kiến thức chuyên môn về thương mại, quản lý, điều hành và đổi mới để kinh doanh có hiệu quả. Đối tác tư nhân có thể góp vốn dựa theo từng hình thức hợp đồng.

Mặt khác, khu vực tư nhân đang cố gắng gia tăng tiềm năng đầu tư nhằm thu được lợi nhuận hợp lý và có cơ hội kiếm doanh thu nhiều hơn nữa. Những mục tiêu thu hút khu vực tư nhân còn bao gồm các hợp đồng dài hạn, cơ hội nâng cao năng lực, hưởng lợi từ những nguồn thu nhập khác, và thiết lập mối quan hệ với Chính phủ. Vì vậy, mối quan hệ hợp tác Nhà nước - tư nhân có thể mang lại lợi ích chung cho cả hai phía, trong khi đó, vẫn phản ánh tích cực những cá thể sử dụng hàng hóa và dịch vụ môi trường

Để thực hiện cơ chế đối tác về bảo vệ môi trường cần xây dựng chiến lược, lộ trình kêu gọi hợp tác theo hình thức PPP: hiện nay, các dự án PPP về quản lý CTNH do Bộ, ngành và địa phương đề xuất và thường là các dự án chưa tìm được nguồn vốn. Vấn đề ở đây là cần xây dựng bộ tiêu chí xác định dự án đưa vào danh mục kêu gọi PPP, trong đó, quan tâm đến tính hấp dẫn của dự án, cũng như các điều kiện cần có để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Bên cạnh sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất,… các tiêu chí có thể là tính kinh tế của dự án (quy mô, tỷ lệ hoàn vốn,…), mức độ tác động đến sự phát triển cộng đồng thụ hưởng dự án, tính kết nối của công trình hạ tầng với các mục tiêu khác…

Về quy trình PPP, cần bổ sung điều khoản quy định rõ về từng bước thực hiện, theo đó, ghi rõ thời gian, trách nhiệm của từng cơ quan, từng bên và phương thức giải quyết vướng mắc trong quá trình đề xuất, đàm phán và triển khai dự án PPP. Đồng thời, có chế tài xử lý những trường hợp không làm hết trách nhiệm. Ngành TN&MT cần nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án và huy động sự ủng hộ của cấp cao đối với việc phê duyệt dự án PPP.

Minh Thư