Cá chết trên bãi biển, Đà Nẵng cuống cuồng ứng phó

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 27/04/2016

(TN&MT) - Từ tối qua (26/4), trên bãi biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng) đã bắt đầu xuất hiện cá chết trôi dạt vào bờ. Người dân ở đây đang vô cùng hoang mang, lo lắng bởi thông tin cá chết hàng loạt trước đó ở dọc các ven biển miền Trung. Ngay lập tức trong sáng nay (27/4), Đà Nẵng đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra tình hình cá chết trên bãi biển Phạm Văn Đồng, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết trong bất kỳ trường hợp nào.  
Đà Nẵng đã xuất hiện cá chết trên bãi biển
Đà Nẵng đã xuất hiện cá chết trên bãi biển

Như Báo Điện tử TN&MT đã thông tin nhiều kỳ trước đó, tại địa bàn nhiều tỉnh miền Trung kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, cá chết hàng loạt dọc các ven biển thiệt hại kinh tế hàng tỷ đồng. Tại tỉnh Quảng Trị, theo con số thống kê chưa đầy đủ của Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, sau gần một tuần, số lượng cá bị chết trôi dạt vào bờ biển được người dân thu gom lại lên tới khoảng 30 tấn. Một số ngư dân vùng biển Quảng Trị cho biết, hơn 1 tuần qua, từ khu vực xã Vĩnh Thái đến xã Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và xã Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), họ phát hiện cá chết hàng loạt, mỗi ngày ngư dân vớt hàng tấn cá các loại, chủ yếu là loại cá đáy vùng rạn như: cá hồng, mú, cá hanh, cá chình, cá đuối và mực nang.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khi đi dọc bãi biển Lộc Vĩnh, đoạn từ bãi tắm Bình An kéo dài xuống tận cảng Chân Mây, không khó để thấy cảnh cá chết tấp dày đặt vào các mép bờ. Chứng kiến cảnh người dân ra biển để lượm cá chết, trôi lềnh bềnh, nhiều người không khỏi xót xa. Các loài cá biển chết trôi vào bờ chủ yếu là cá đuối, cá ong căn, cá nhói xanh, cá đục, cá bò, cá móm, cá lạc, cá chình biển… Theo nhiều người dân trong vùng, hiện tượng cá chết trắng trôi dạt vào bờ chỉ xảy ra cách đây chưa lâu, nhiều nhất vào thời điểm ban đêm khi thủy triều lên.

Và mới đây nhất trong chiều tối qua (26/4) đến sáng nay (27/4), tại bãi biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng), theo phản ánh của người dân, đã có hiện tượng cá chết dạt vào bờ, nhưng chỉ rải rác ở một số điểm. Khác với cá chết ở Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Thừa Thiên Huế, số cá này chết này được người dân phát hiện đã chết cách đây 2-3 ngày, dạt vào bờ trong tình trạng đã phân hủy, bốc mùi hôi thối. Công nhân vệ sinh môi trường đã thu gom số cá nói trên để dọn sạch bãi biển.

Có mặt tại hiện trường, ông Phạm Văn Bình, một người dân sống trên đường Hồ Nghinh (gần bãi biển Phạm Văn Đồng) cho biết: “Có một vài con cá nhỏ đã chết lâu ngày rồi dạt vào bờ chứ không phải cá tươi. Đây cũng có thể là hiện tượng bình thường do nắng nóng hoặc cá vướng lưới bị thương, chết rồi trôi dạt vào bờ chứ không phải nhiễm độc như phía Hà Tĩnh, Quảng Bình”.

Trước thực trạng có hiện tượng cá chết như người dân phản ánh, ngành chức năng Đà Nẵng đã kịp thời vào cuộc tức tốc. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP.Đà Nẵng cho biết, sau khi có thông tin trên, đơn vị này đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại các vùng biển của Thành phố. Trong sáng cùng ngày, qua kiểm tra tại  vùng biển quận Ngũ Hành Sơn cho thấy chưa phát hiện tình trạng cá biển chết ở đây. Ông Khánh cũng cho biết, trong ngày hôm nay, đoàn tiếp tục đi kiểm tra tại vùng biển quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu… và sẽ có kết quả để thông tin sớm nhất cho người dân.

Trước đó, khi tình trạng cá biển chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và vào tận vùng biển Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), sát chân đèo Hải Vân đã khiến người dân TP.Đà Nẵng rất lo lắng. Người tiêu dùng e ngại khi mua hải sản về cho gia đình và nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cũng bị ảnh hưởng theo.

Người dân đang bàng hoàng lo lắng
Người dân đang bàng hoàng lo lắng

Chúng tôi có mặt tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trong sáng nay, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, tâm lý của chủ các đầu nậu rất lo lắng về thông tin các nhiễm độc tố, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua từ các chợ. Trên cầu cảng số 2 và số 3, ngư dân vẫn bán cá cho các nậu và thương lái, chỉ khác một điều, các nậu và thương lái đã không còn mặn mà với lượng cá từ các ngư trường về. Ông Nguyễn Cu (quận Sơn Trà) - chủ tàu ĐNa 90442 chưa bán được mấy tấn cá ngừ, cá thu đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa về trước ngày rằm cho biết, mọi chuyện đã xấu đi rất nhiều từ những thông tin cá bị nhiễm độc tố, giá cả thấp hơn rất nhiều so với trước.

Anh Nguyễn Cam (quận Sơn Trà), chủ tàu ĐNa 37089 làm nghề mực sà tại Hoàng Sa cũng cho rằng, giá cả hải sản đã giảm đáng kế. “Mực sà được ngư dân thường xuyên bán cho thương lái với giá từ 170 - 180 nghìn đồng/kg và bây giờ đã hạ xuống còn 120 - 130 nghìn đồng/kg. Mọi chuyện đã không bình thường như trước nữa rồi”, anh Cam chia sẻ. Đó cũng là khẳng định của ngư dân Thanh Hòa, chủ tàu ĐNa 90679. Anh Hòa còn bức xúc hơn bởi việc cứ được mùa là mất giá, bị thương lái chèn ép, nay lại thêm cá nhiễm độc tố gây sức mua giảm sút.

Ông Nguyễn Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Đà Nẵng) cho biết thêm, hiện ngành thủy sản thành phố đang ráo riết theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ cá chết dọc biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế), đặc biệt là thông tin cá chết trôi dạt trên biển Đà Nẵng. Theo ông Khánh, mùa này ngư dân toàn đánh bắt vùng khơi - chủ yếu ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nên người mua ở Đà Nẵng cứ yên tâm bởi các loại cá trên thị trường Đà Nẵng đều là nguồn cá xa bờ. Tuy nhiên, theo ông Khánh, các ngành chức năng Trung ương cần công bố nguyên nhân cá chết trong thời gian qua để người dân yên tâm và tiếp tục tiêu dùng hải sản.

Bài & ảnh: Xuân Lam