Yên Mỹ - Hưng Yên: "Sống mòn" bên dòng sông chết

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 19/01/2016

(TN&MT) – Ô nhiễm môi trường trên sông Bắc Hưng Hải (đoạn chảy qua địa bàn xã Thanh Long (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang từng ngày “hành hạ” sức khỏe và “bức tử” cuộc sống của bà con nhân dân.

“Sống mòn” cùng ô nhiễm

Bắc Hưng Hải là con sông đào chạy qua 3 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương. Ngoài chức năng phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, sông còn phải hứng chịu hàng ngàn m3 nước thải từ các tỉnh nói trên và một phần không nhỏ nước thải từ khu vực Đông Nam của thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, môi trường nước sông Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm trầm trọng suốt 5 năm nay. Theo ước tính của cơ quan quản lý môi trường tỉnh Hưng Yên, hiện nay, Bắc Hưng Hải phải hứng chịu nguồn nước gây ô nhiễm bổ sung 300.000m3/ngày đêm.

Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải đặc biệt nghiêm trọng do lượng nước thải tăng cao, gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân.

Cá chết trắng nổi lềnh bềnh trên sông Bắc Hưng Hải
Cá chết trắng nổi lềnh bềnh trên sông Bắc Hưng Hải

Bà Nguyễn Thị Mến (55 tuổi) sống cạnh Cầu Long Vĩ cho biết: Nước sông quanh năm đen kịt, có khi còn sủi bọt trắng kết thành khối; cả tháng nay, mùi hôi thối, tanh nồng bốc lên nhiều rất khó chịu. Sống cạnh sông nên nhà bà cả ngày đóng kín cửa, che bạt nhưng công nhân vẫn phải đeo khẩu trang từ sáng đến chiều.

“Chúng tôi thường xuyên phải hít thở khí độc hại, cuộc sống rất ngột ngạt chẳng biết kêu ai. Mấy đứa con tôi, đứa bị viêm mũi, đứa mắc viêm họng, riêng tôi cũng đau đầu triền miên”, bà Mến bức xúc.

Mỗi ngày sông Bắc Hưng Hải phải hứng chịu thêm 300.000m3 nước thải bổ sung từ các nhà máy, xí nghiệp
Mỗi ngày sông Bắc Hưng Hải phải hứng chịu thêm 300.000m3 nước thải bổ sung từ các nhà máy, xí nghiệp

Cùng chung nỗi niềm với bà Mến, bác Nguyễn Thị Liên quanh năm bán hàng bánh trái ở gốc đa thôn Long Vĩ (gần sông Bắc Hưng Hải) buồn rầu chia sẻ: Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, ô nhiễm triền miên còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc buôn bán của người dân. Tuyến đường qua xã Thanh Long là đường liên huyện nên đông người qua lại. Nhiều khi khách hàng dừng lại để mua hàng nhưng mùi hôi thối khó chịu hoặc sợ thực phẩm không hợp vệ sinh nên quay đi.

Bà Trương Thị Bính (55 tuổi) cho biết, trước đây nước sông sạch, dân làng thường dùng để sinh hoạt, tắm giặt. Bây giờ, còn không dám nhúng chân xuống sông để rửa huống chi là lấy nước về dùng.

Chính quyền gặp “khó”

Ông Đỗ Văn Ấu – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Long cho hay: Bà con đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí một số người dân đã kéo lên trụ sở UBND xã đề nghị xử lý nghiêm việc xả thải, trả lại môi trường trong sạch và đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Thế nhưng, chính quyền địa phương chỉ tiếp thu những kiến nghị của người dân, có ý kiến trong các cuộc họp HĐND huyện Yên Mỹ về sự ô nhiễm trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vứt rác “vô tội vạ” xuống lòng sông. “Ngoài ra, chúng tôi cũng không có giải pháp nào khác”, ông Ấu nhấn mạnh.

Nhiều gia đình xã Thanh Long ở ven sông phải che bạt cả ngày đêm
Nhiều gia đình xã Thanh Long ở ven sông phải che bạt cả ngày đêm

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Lê Thị Hoa – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Mỹ cho rằng, sau khi có kiến nghị về tình trạng ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải trên địa bàn, Phòng đã báo cáo ngay qua đường dây nóng với các cơ quan chức năng để phối hợp lấy mẫu nước phân tích hay tiến hành kiểm tra, xác minh.

Tuy nhiên, về địa phận hành chính, sông Bắc Hưng Hải chảy qua xã Thanh Long nói riêng, huyện Yên Mỹ nói chung nằm xen kẹp giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương; nguồn nước gây ô nhiễm lại không phát sinh trên địa bàn huyện nên rất khó để xử lý. Ở góc độ quản lý Nhà nước ở địa phương, Phòng chỉ có thể quản lý trên địa bàn huyện nên việc huyện có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm là rất khó.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã nhiều lần thực hiện lấy mẫu nước quan trắc tại một số điểm trên sông và một số sông phụ lưu chính của sông Bắc Hưng Hải. Kết quả cho thấy hàm lượng nhiều chất ô nhiễm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hưng Yên cho biết: Ô nhiễm môi trường sông Bắc Hưng Hải không chỉ ở một địa phương, mà ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng và có tính liên vùng, liên tỉnh. Trong khi nguồn thải đến từ thượng nguồn nhưng khu vực hạ nguồn lại chịu tác động lớn hơn. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các tỉnh và các bộ ngành chưa chặt chẽ.

PGĐ Sở TN&MT Hưng Yên cho rằng, cần xây dựng cơ chế phối hợp thống nhất giữa các bộ ngành, cơ quan và địa phương
PGĐ Sở TN&MT Hưng Yên cho rằng, cần xây dựng cơ chế phối hợp thống nhất giữa các bộ ngành, cơ quan và địa phương

Do vậy bên cạnh việc tiến hành quan trắc thường xuyên để theo dõi diễn biến ô nhiễm; cần chỉ đạo, xây dựng cơ chế thống nhất về sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, giữa các chính quyền tỉnh có liên quan; giữa các Bộ ngành và địa phương cũng như địa phương với nhau. Từ đó để có thể phối hợp điều tra, đánh giá, khảo sát mức độ ô nhiễm, các điểm xả thải để có các giải pháp xử lý ô nhiễm; đặc biệt xây dựng các đề án cải thiện môi trường sông Bắc Hưng Hải.

Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Bắc Hưng Hải phải mất nhiều thời gian và cần sự nỗ lực của nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền của Trung ương và tỉnh Hưng Yên cần có sự quan tâm sâu sát, thiết thực hơn để giải quyết tình trạng ô nhiễm; đảm bảo sức khỏe, canh tác và cuộc sống nhân dân xã Thanh Long nói riêng, khu vực ven bờ sông Bắc Hưng Hải nói chung.

Bài & ảnh:Tuyết Chinh