Thừa Thiên Huế: Còn 3 cơ sở chậm ra khỏi trong danh sách "đen"

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/12/2015

(TN&MT) - Đến nay, 3 cơ sở còn lại trong số 9 cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định 64...

         

(TN&MT) - Đến nay, 3 cơ sở còn lại trong số 9 cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định (QĐ) 64 của Thủ tướng Chính phủ đã quá thời hạn quy định cần phải  xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, hiện các địa phương vẫn còn lúng túng và thiếu quyết tâm lập đề án trình phê duyệt để đưa các cơ sở này ra khỏi danh sách đen.

				 		Làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô vẫn còn nằm trong danh sách “đen”.
Làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô vẫn còn nằm trong danh sách “đen”.

Theo QĐ 64 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện QĐ này. Báo cáo tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý về tài nguyên môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội vào hồi tháng 9/2015 cho thấy, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo QĐ 64 trên toàn quốc, đã có 389 cơ sở cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 88,61%.

Thực hiện QĐ 64, từ năm 2003 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa được 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi danh sách QĐ 64. Đây là nổ lực lớn không chỉ của từng đơn vị, cơ sở mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Đối với 3 cơ sở còn lại là làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc), làng nghề đúc đồng phường Đúc, Thủy Xuân (TP. Huế) và làng nghề sản xuất gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn (thị xã Hương Trà), tỉnh đã giao trách nhiệm cho 3 địa phương Phú Lộc, Hương Trà, TP. Huế lập đề án để trình tỉnh phê duyệt.

 Một số hộ vay vốn mua tàu khai thác hàu chưa được hỗ trợ nên Làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô vẫn còn nằm trong danh sách “đen”.
Một số hộ vay vốn mua tàu khai thác hàu chưa được hỗ trợ nên Làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô vẫn còn nằm trong danh sách “đen”.

Thời gian qua, một số địa phương tuy đã xây dựng phương án, nhưng chưa đảm bảo tính khả thi. Làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô đã có đề án chuyển đổi nghề và hỗ trợ vốn chuyển đổi cho các hộ sản xuất nung vôi, nhưng do còn vướng một số hộ vay vốn ngân hàng mua tàu khai thác hàu vẫn chưa được hỗ trợ, nên đến nay tỉnh vẫn chưa thể phê duyệt để đưa làng nghề ra khỏi danh sách QĐ 64 theo đúng quy định. Đối với làng nghề sản xuất gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn, thị xã Hương Trà cũng đã có phương án quy hoạch vùng này thành trung tâm thương mại, song đề án cụ thể vẫn chưa thấy. Làng nghề đúc đồng phường Đúc, Thủy Xuân, TP. Huế có ý đồ duy trì làng nghề này để phát triển thành làng du lịch. Tuy nhiên, hướng xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tại đây vẫn chưa được chính quyền địa phương tích cực và quyết tâm thực hiện.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế, về cơ bản, làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc) có khả năng sẽ sớm được giải quyết vì số hộ vướng mắc còn ít. Đối với làng nghề sản xuất gạch ngói ở thị xã Hương Trà cũng sẽ thuận lợi, vì Chính phủ không khuyến khích duy trì phát triển mà hướng đến cấm sản xuất gạch nung để đảm bảo đất mặt sản xuất nông nghiệp và môi trường. Những trường hợp này, Chính phủ ưu tiên khuyến khích chuyển sang sản xuất vật liệu liệu xây dựng không nung. Định hướng là vậy, nhưng thực tế những hộ sản xuất gạch ngói truyền thống ở Hương Vinh, Hương Toàn rất khó theo vì không có kinh nghiệm, kiến thức và đòi hỏi phải có công nghệ, vốn để có sức sống, cạnh tranh với thị trường. Theo ông Hùng, việc quy hoạch lại, hỗ trợ đào tạo nghề mới cho các hộ tham gia sản xuất gạch ngói truyền thống ở Hương Vinh, Hương Toàn mới khả thi, phù hợp hơn.

Cần sớm ứng dụng mô hình xử lý chất thải phù hợp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho làng nghề đúc đồng phường Đúc, Thủy Xuân (TP. Huế)
Cần sớm ứng dụng mô hình xử lý chất thải phù hợp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho làng nghề đúc đồng phường Đúc, Thủy Xuân (TP. Huế)

Nan giải hiện nay là việc tìm mô hình xử lý chất thải, khí thải phù hợp cho các cơ sở đúc đồng đang hoạt động nhỏ lẻ ở phường Đúc, Thủy Xuân (TP. Huế). Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hệ thống xử lý khí thải thí điểm cho một vài hộ sản xuất. Tuy nhiên, do giải pháp kỹ thuật cũng như suất đầu tư vượt sức của người dân nên mô hình này vẫn chưa được nhân rộng. Và hiện nay, vẫn chưa có mô hình nào thích hợp. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các hộ sản xuất đều cam kết sẽ đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và để yên tâm sản xuất lâu dài. Theo họ, công nghệ xử lý phải đơn giản trong vận hành, bảo dưỡng, duy tu và kinh phí đầu tư hệ thống xử lý phải vừa sức.

Mặc dù các làng nghề ở Thừa Thiên Huế có quy mô sản xuất nhỏ và đang dần thu hẹp, nhưng để thực hiện quyết liệt QĐ 64, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh và các địa phương cần sớm có giải pháp, phương án trọn vẹn để hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương.

                                                                   Bài & ảnh: Xuân Giang