Cop 21: Kỳ vọng sự công bằng và có trách nhiệm

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/12/2015

(TN&MT) - Từ 30/11 đến 11/12/2015, Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Thủ đô Paris (Pháp). Thêm một lần nữa, Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng cộng đồng thế giới ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện những quan điểm về tính công bằng, trách nhiệm trong cuộc chiến này.

Trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (ảnh) cho biết:

COP 21 tại Paris lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị này, toàn thế giới sẽ thống nhất một hướng đi chung về cắt giảm phát thải, huy động nguồn lực cho ứng phó với BĐKH bằng Thỏa thuận 2015. Tại COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp cấp cao và có bài phát biểu tại hội nghị, trong đó, nêu rõ quan điểm của Việt Nam về Thỏa thuận mới và đóng góp của Việt Nam nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Việt Nam nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Ảnh: MH

Vậy đến với COP 21 lần này, Việt Nam nhấn mạnh các quan điểm nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Có 3 quan điểm chính mà Việt Nam sẽ đóng góp tại COP 21, xoay quanh vấn đề đảm bảo công bằng và làm rõ trách nhiệm các bên.

Việt Nam cho rằng, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tiếp tục là cơ sở cho các hành động ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau 2020 phải góp phần tăng cường hơn nữa việc thực hiện Công ước dựa trên các nguyên tắc của Công ước, trong đó, có nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”. Cần phải đạt được sự cân bằng giữa các trụ cột: giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực và minh bạch giữa các hành động và hỗ trợ như đã được các Bên thống nhất tại Durban, Nam Phi năm 2011.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cho rằng cần có nỗ lực lớn và tham gia tích cực của tất cả các Bên. Các Bên nước phát triển phải đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển thực hiện các hành động thích ứng, giảm nhẹ; cần thực hiện nghĩa vụ của mình ngay từ giai đoạn trước 2020 để tránh tạo ra khoảng trống, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Đồng thời, các Bên nước đang phát triển bằng nội lực và với hỗ trợ về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực từ các Bên nước phát triển có những đóng góp cụ thể vào ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt trong bối cảnh phát triển bền vững, đảm bảo sự tiếp cận công bằng về quyền và không gian phát triển trên cơ sở trách nhiệm lịch sử, trình độ phát triển, nhu cầu và ưu tiên phát triển của các Bên nước đang phát triển.

Là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính nhỏ nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, Việt Nam kỳ vọng gì ở COP 21 để tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH từ COP 21, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Dù không thuộc nhóm các quốc gia phát cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định thư Kyoto nhưng Việt Nam đã có những nỗ lực để thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành xây dựng và đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC). Theo đó, Việt Nam dự kiến giảm 8% lượng phát thải bằng nội lực của mình và giảm 25% lượng phát thải nếu có sự hỗ trợ quốc tế. 

Với các nỗ lực đã có và dự kiến đóng góp như trên, Việt Nam kỳ vọng các quốc gia phát triển sẽ có những hành động cụ thể, trực tiếp và rõ ràng nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính, đồng thời, hỗ trợ các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói riêng và các quốc gia không thuộc Phụ lục I nói chung để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ 21. Đối với Việt Nam, các hỗ trợ cần bao gồm cả tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) và xử lý chất thải.

Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong đánh giá tác động của BĐKH và tính dễ bị tổn thương; xác định tổn thất và thiệt hại cũng như lựa chọn các biện pháp thích ứng ưu tiên; xác định nhu cầu tài chính, công nghệ cũng như nhu cầu tăng cường năng lực để thực hiện hiệu quả các chính sách thích ứng với tác động của BĐKH tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thưa ông, trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH lâu dài, Việt Nam sẽ thực hiện các bước đi nào tiếp theo?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Đối với Việt Nam, giai đoạn trước mắt là triển khai xây dựng lộ trình thực hiện INDC. Việt Nam sẽ từng bước đưa việc các chỉ tiêu về giảm phát thải, thích ứng vào các chủ trương, chính sách cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực trong nước, tận dụng hỗ trợ của quốc tế và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp cũng sẽ là những hoạt động cần thiết để thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam, nỗ lực cao nhất của nhân dân Việt Nam, góp phần thực hiện Công ước và bảo đảm định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngoài các hoạt động đàm phán, tại COP 21, Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Đan Mạch tổ chức buổi Đối thoại Cấp cao do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với chủ đề “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của BĐKH tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Việt Nam còn tổ chức chuỗi sự kiện bên lề (Việt Nam Pavilion), trưng bày ấn phẩm, quảng bá hình ảnh thành tựu của Việt Nam ứng phó với BĐKH.

Bảo Châu (thực hiện)