Quảng Nam: Đã có 25 mô hình thích ứng với BĐKH

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/11/2015

  (TN&MT) - Tổng kết các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH tại Quảng Nam là chủ đề hội thảo do Bộ TN&MT tổ chức ngày 26/11 tại TP Hội An (Quảng...

 

(TN&MT) - Tổng kết các mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu tại Quảng Nam là chủ đề hội thảo do Bộ TN&MT tổ chức ngày 26/11 tại thành phố Hội An (Quảng Nam). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo này, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành trung ương và đại diện Ủy ban nhân dân, các sở ngành của các tỉnh, thành phố miền Trung, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu đã cùng thảo luận về hiệu quả và khả năng nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã được thực hiện tại Quảng Nam, đồng thời nghiên cứu xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ông Trần Quý Kiên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Quý Kiên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo.

25 mô hình phát huy hiệu quả

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Đức Trí - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã tác động đến nguồn nước các lưu vực sông lớn trong khu vực. Thêm vào đó, các cơn bão và áp thấp nhiệt đới tại miền Trung có xu hướng gia tăng về tần suất và bất thường về tính chất khiến cho thiên tai tại đây ngày càng khó lường.

“Nếu không có những biện pháp và hành động ứng phó mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả thì hậu quả của biến đổi khí hậu có thể khiến cho hàng chục triệu người dân ven biển miền Trung mất nhà ở, mất việc làm, mất đất canh tác, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên phạm vi toàn khu vực và cả nước”, ông Trương Đức Trí nhấn mạnh.

Để bước đầu thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, chính phủ Đan Mạch đã tài trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu thực hiện 25 mô hình thí điểm tại tại 11 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam.

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm qua, Quảng Nam đã thực hiện các mô hình trồng rừng ngập mặn, nhà đa năng tránh bão lũ, đê ngăn mặn và tiêu úng nước, kênh mương thủy lợi kết hợp đường giao thông… Các mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho cộng đồng dân cư ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất giống cây trồng, cải thiện sinh kế cho người dân nhờ diện tích đất đai được cải tạo, phòng tránh thiên tai lũ lụt, bão…

8 định hướng cho giai đoạn 2016-2020

Tại hội thảo này, các nhà quản lý, các địa phương đã thống nhất sẽ phát huy hiệu quả của các mô hình và nhân rộng ở các tỉnh miền Trung. Các tỉnh, thành phố cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tiến và đề cập những khó khăn hạn chế trong công tác tổ chức cũng như trong bố trí các nguồn lực triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương, từ đó kiến nghị các Bộ, ngành trung ương có các giải pháp tháo gỡ.

Đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu trong các năm qua, ông Trần Quý Kiên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ TN&MT) cho rằng, các tỉnh tham gia có trách nhiệm và đạt được những kết quả nhất định trong nâng cao nhận thức, xây dựng hệ thống chính sách cũng như các mô hình thí điểm. Ông Trần Quý Kiên đề nghị trong thời gian tới, các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành trung ương nhằm nâng cao tính chủ động, nhất là chủ động về xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Ứng phó với biến đổi khí hậu không phải là công việc của một vài năm mà là một quá trình lâu dài. Ông Trương Đức Trí cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, cần tập trung vào 8 định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đó là: Thứ nhất, tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam; Thứ hai, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu; Thứ ba, tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu; Thứ tư, xây dựng và ban hành các Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu; Thứ năm, xây dựng, cập nhật lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam phù hợp với điều kiện quốc gia; Thứ sáu, đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; Thứ bảy, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.

Riêng định hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Trí cho biết, cần tập trung vào trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, tăng cường khả năng hấp thụ CO2;Trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu; Xây dựng, nâng cấp, các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; Xây dựng, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông kết hợp các giải pháp công trình mềm ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân.

Nhân dịp này, đại diện Bộ TN&MT và UBND tỉnh Quảng Nam cũng gửi lời cảm ơn đến nhà tài trợ Đan Mạch đã đồng hành với Chương trình thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Quảng Nam nói riêng và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung trong suốt thời gian qua và mong muốn mối quan hệ hợp tác về biến đổi khí hậu giữa hai quốc gia sẽ được làm sâu sắc hơn trong thời gian tới.

PV