Cải tạo môi trường bệnh viện tại Thanh Hóa

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/11/2015

(TN&MT) – Nhiều năm qua, Thanh Hóa đã chú trọng đến xây dựng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện hợp lý, tiết kiệm diện tích, chi phí, đảm bảo chất...

 

(TN&MT) – Xử lý nước thải bệnh viện là một trong những khâu quan trọng trong chuỗi những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh những tác động xấu của chất thải y tế, nước thải bệnh viện, rác thải đối với môi trường và cuộc sống con người. Nhận thức được vấn đề trên, trong nhiều năm qua, Thanh Hóa đã chú trọng đến xây dựng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện hợp lý, tiết kiệm diện tích, chi phí, đảm bảo chất lượng đầu ra.

 Trong 5 năm (2011 - 2015) cùng với ngân sách Trung ương, Thanh Hóa đã đầu tư gần 30 tỷ đồng cho hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng tại 37 bệnh viện công lập nhằm đảm bảo các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Ở các bệnh viện tại Thanh Hóa, mỗi ngày phát sinh khoảng 7,372 tấn chất thải y tế, trong đó có khoảng 1,452 tấn chất thải nguy hại. Hầu hết các bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế, trong đó các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế đến năm 2015 trị giá 149,272 triệu đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường của Trung ương và tỉnh. 

Rác thải được thu gom tập kết về vị trí để xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Rác thải được thu gom tập kết về vị trí để xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Nguồn nước thải từ bệnh viện phần lớn là nước thải thông thường từ nhà vệ sinh, khu vực rửa dụng cụ, nhà ăn, nước thải từ phẩu thuật, điều trị, khám, chữa bệnh, xét nghiệm, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh, nhân viên y tế…bên cạnh đó tuy chiếm một phần nhỏ nhưng nước thải từ hoạt động in chụp X-quang, các chất phóng xạ lỏng và bệnh phẩm là phần nước thải nguy hại chứa rất nhiều chất độc hại, nồng độ kháng sinh và các vi khuẩn gây bệnh cao. Nếu không được xử lý triệt để khi thải ra môi trường sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái trong nguồn nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tạo nên nguy cơ ô nhiễm, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Trong Đề án “Tổng thể xử lý chất thải y tế” giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng tới 2020, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã điều hành, kết hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện đúng theo kế hoạch và giao trách nhiệm cho những người đứng đầu các cơ sở y tế quản lý chất thải y tế đúng quy trình, vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan môi trường để xử lý, tiêu hủy chất thải y tế theo quy định.

Theo Quyết định 1448/QĐ-UBND ngày 15/5/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến hết 2015 phải xử lý xong 11 bệnh viện gây ô nhiễm theo Quyết định 3324/QĐ-UBND ngày 11/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Sở Y tế là chủ đầu tư các dự án xử lý chất thải của các bệnh viện.

Rác thải được thu gom tập kết về vị trí để xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Rác thải được thu gom tập kết về vị trí để xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Đăng Khoa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bệnh viện mới đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng, với tổng kinh phí 43 tỷ đồng. Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Cảnh sát môi trường tới kiểm tra theo định kỳ, tất cả các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn. Trước đây hệ thống xử lý chất thải rắn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại bệnh viện. Chính vì vậy, nên bệnh viện đã đầu tư lò đốt hiện đại từ Ý, rác thải được nghiền nát, sau đó tiệt khuẩn bằng nhiệt độ. Ngoài ra bệnh viện còn xử lý chất thải cho một số bệnh viện và phòng khám tại thành phố Thanh Hóa.

Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được đầu tư lò đốt chất thải rắn theo mô hình dự án khoa học công nghệ. Nhưng đến nay, do đầu tư xây dựng quá lâu, một số lò đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu xử lý hàng ngày, nên tại các bệnh viện hiện đã và đang được đầu tư xây mới bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới gần 200 tỷ đồng để nâng cấp cho 5 hệ thống xử lý chất thải lỏng và xây mới 9 hệ thống xử lý chất thải rắn tại 9 cụm để xử lý rác thải y tế cho cả tỉnh. Sau khi các dự án trên hoàn thành đưa vào hoạt động góp phần đảm bảo môi trường, tạo nền y tế Thanh Hóa xanh – sạch – đẹp.

                                                                                             Bài & ảnh: Tùng Minh