Xói lở bờ biển do khai thác cát và chặt phá rừng đầu nguồn?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/09/2015

  Nguyên nhân gây xói lở bờ biển là do nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn làm suy giảm bùn cát từ thượng lưu.

 

Sáng nay (7/9), tại thành phố Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Thuỷ lợi miền Trung, Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản) và Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông. Hội thảo thu hút hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia thuỷ lợi trong nước và quốc tế. Trong đó có gần 30 chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc).

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật chỉnh trị cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông ngòi. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi thực tế các cửa sông, bờ biển miền Trung nói chung và bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An đang bị xói lở nghiêm trọng.

Hiện nay, nhiều vùng trong cả nước chưa có quy hoạch tổng thể cho việc khai thác, phòng chống thiên tai ở khu vực cửa sông; nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính thử nghiệm...

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây xói lở bờ biển là do nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn làm suy giảm bùn cát từ thượng lưu. Trong khi đó, việc xử lý bồi lắng, xói lở mang tính cục bộ cho từng cửa sông mà thiếu tính đồng bộ cho cả hệ thống. Các số liệu đo đạc, khảo sát thiếu chính xác khiến việc phân tích, đánh giá nguyên nhân chưa thật đầy đủ.

PGS.TS Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Thuỷ lợi miền Trung nêu ý kiến: “Dưới quan điểm quản lý tổng hợp vùng ven bờ, rõ ràng là không thể làm các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sát bờ biển được. Nguyên tắc về quản lý tổng hợp mới bao giờ cũng có giới hạn cân bằng về đường bờ có khoảng cách an toàn. Các nước thường xây dựng khu công viên, sau đó mới đến khu nghỉ dưỡng. Đây cũng là kinh nghiệm cần rút ra để trong tương lai, khi xây dựng các dự án khu nghỉ dưỡng- một tiềm năng rất lớn dọc bờ biển trên 3.260 km từ Bắc chí Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung”./.

Theo VOV.VN