TP. Hồ Chí Minh: Cơ bản hoàn thành các mục tiêu chống ngập nước giai đoạn 2011 – 2015

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 27/08/2015

(TN&MT) - Triển khai Chương trình trọng điểm về giảm ngập nước thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM khóa XIII, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận huyện tăng cường các biện pháp chống ngập nước. Sau 5 năm thực hiện, TP. HCM đã giải quyết được 84,5% số điểm ngập nước do mưa và 92,3% số điểm ngập nước do triều cường.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, UBND TP. HCM đã chỉ đạo thực hiện 295 công trình chống ngập nước cấp bách; lắp đặt vận hành 1.077 van, 4 cống ngăn triều; cải tạo, phát triển  248,8 km cống; huy động nhiều lực lượng Chiến dịch tình nguyện mùa hè Xanh, vận động nhân dân cùng tham gia với cơ quan chuyên ngành để tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy cho các tuyến kênh, rạch và cửa xả  với tổng chiều dài khoảng 79km; cùng với triển khai các giải pháp  trung hạn và dài hạn góp phần cải thiện tình trạng  ngập nước và giữ gìn vệ sinh môi trường trong những năm qua.

Về giải quyết các điểm ngập nước do mưa, năm 2011, trên địa bàn thành phố có 58 điểm, TP. HCM phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết triệt để được 49 điểm. Như vậy, theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ Thành phố, TP. HCM đã xóa được 49/58 điểm ngập, đạt 84,5%; đặc biệt vùng Trung tâm (mục tiêu quan trọng của Chương trình đột phá) đã giải quyết cơ bản. Ngoài ra, UBND  các quận, huyện đã giải quyết xóa, giảm được 111/266 điểm ngập tại hẻm, đường nhỏ do quận, huyện quản lý.

Công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm đã giúp tận dụng và phát huy tối đa hiệu quả, công năng sử dụng của hệ thống thoát nước hiện hữu. Chủ động  đề xuất, thực hiện các công trình cấp bách sử dụng nguồn vốn duy tu để xóa, giảm ngập một số tuyến đường trong khi chờ các dự án lớn triển khai.

Về giải quyết ngập nước do triều cường, tính đến đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố có 26 điểm ngập nặng do triều trên các trục đường chính, TP. HCM phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ giải quyết được 24/26 điểm. Như vậy, TP. HCM đã giải quyết được 92,3% mục tiêu đề ra, đặc biệt vùng trung tâm đã giải quyết cơ bản. Hai điểm ngập còn lại, gồm:  Đường Lương Định Của, hiện không còn nhà hai bên, tương lai sẽ có khu dân cư thuộc Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm; đường Huỳnh Tấn Phát ( quận 7) hiện đang được thực hiện nghiên cứu, lập Đề án đầu tư giải quyết thoát nước, chống ngập.

Ngoài ra, trong năm 2014, TP. HCM còn xuất hiện 7 điểm ngập nhẹ, diện tích  ngập nhỏ ( diện tích ngập từ 50 m2 đến 1.000m2): đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, đường Lê Văn Lương, đường Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10 và đường 26… cơ bản sẽ được giải quyết từ nay đến cuối năm 2015.

Bênh cạnh đó, TP. HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng;  tăng cường liên kết, hợp tác khoa học – công nghệ phục vụ công tác xóa,  giảm ngập nước;  nâng cao năng lực, hiệu quản quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải đô thị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân và giám sát thực hiện chiến lược quản lý ngập  lụt trên địa bàn.

Theo UBND TP. HCM, với tốc độ đô thị của thành phố trong khi hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch và bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc đánh giá lại các quy hoạch để điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế là yêu cầu cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của đô thị hóa. Do đó, việc  nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí về vùng đệm trữ nước để lồng ghép vào quy hoạch đô thị thành phố nhằm giảm tải cho hệ thống thoát nước là cách đặt vấn đề đúng đắn cho thành phố.

Nguyễn Thanh