Gia Lai: "Nóng" tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2015

  (TN&MT) – Nhiều ha rừng thông, rừng phòng hộ bị người dân đốt phá, ken cây để lấn chiếm, lấy đất làm rẫy, xây dựng nhà ở. Mặc dù là vấn đề không...

 

(TN&MT) – Nhiều ha rừng thông, rừng phòng hộ bị người dân đốt phá, ken cây để lấn chiếm, lấy đất làm rẫy, xây dựng nhà ở. Mặc dù là vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ và vẫn luôn “nóng” trên địa bàn, song dường như các biện pháp ngăn chặn mà lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai vẫn chưa phát huy được hiệu quả khi mà diện tích rừng vẫn liên tục giảm vì nguyên nhân này.

Rừng ngã xuống, rẫy mọc lên

Đốt, phá rừng làm nương rẫy là thực trạng đã xảy ra từ lâu trên địa bàn nhiều tỉnh, trong đó có Gia Lai. Vào thời điểm mùa mưa, khi người dân bắt đầu chuẩn bị đất để sản xuất và xuống giống cây trồng, thực trạng này lại trở nên “nóng” hơn. Đây là cơ hội để các hộ dân sinh sống xung quanh rừng hoặc có đất sát bờ rừng thực hiện việc ken cây, chặt phá rừng, sau đó lấn chiếm để mở rộng diện tích đất canh tác.

Tại rừng thông nằm trên địa bàn 2 huyện Đăk Đoa và Mang Yang (Gia Lai), nhiều gốc thông to đã bị khoét vỏ. Một số khác bị vát đến nửa gốc và đốt cháy đen, chờ đến khi cây chết thì đốn gốc, chiếm đất. Trường hợp cây chưa chết, người dân thẳng tay chặt ngang gốc hoặc ken cây khác cho đến khi thông chết rồi đốn hạ. Nhiều khoảng rừng trơ trọi các gốc thông bị cháy đen, thân cây vẫn còn ngổn ngang, có cây đã bị chặt hạ trong khi lá vẫn còn xanh.

Ông Huỳnh Văn Bình (SN 1950), trú xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang cho biết: “Nhiều người dân chặt phá, ngay cả ban ngày ở khu vực gần đường, có nhiều người qua lại. Họ vát nửa gốc rồi đốt, cây thông xì hết nhựa sẽ tự khắc chết. Phần đất sau khi cây thông chết sẽ là đất khai hoang và nhanh chóng biến thành vườn tiêu, vườn cà phê của người dân”.

Còn tại xã Glar (huyện Đăk Đoa), người dân vào hẳn rừng thông tìm vị trí đẹp để dựng nhà, rồi sau đó chặt cây để lấy đất trồng trọt. “Mình cứ vào rừng thông, tìm khoảng trống nào đó rồi dựng nhà. Thấy người ta lên đó dựng nhà ở thì mình cũng lên thôi. Nhà mình không có đất mà!”, anh HNhưng – một người dân xã Glar vô tư nói. Chính sự thiếu ý thức trong bảo vệ và việc nhận thức về tầm quan trọng của rừng còn thấp nên người dân vẫn lén lút hoặc vô tư lấn chiếm đất rừng.

Quản lý, bảo vệ rừng còn lơi lỏng

Trước thực trạng rừng thông phòng hộ tại 2 huyện Mang Yang và Đăk Đoa đang bị người dân ken cây, chặt phá, nhưng lực lượng kiểm lâm huyện Mang Yang và Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa lại không hề hay biết và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ông Sing - Phó chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đăk Đoa) nhận định, đa số các hộ dân sống ở gần rừng thông là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, diện tích đất canh tác còn thiếu nên tình trạng lấn chiếm đất, ken gốc lấy ngo còn xảy ra. Nhận thức của các hộ dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, về ý nghĩa của rừng còn nhiều hạn chế.

“Xã đã tiến hành nhiều biện pháp, trong đó có phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn để tuyên truyền về lợi ích của rừng cũng như nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân. Thế nhưng, hiệu quả đem lại vẫn không cao, người dân vẫn vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại rừng”, ông Sing nói thêm.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 420 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có 21 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép. Số vụ vị phạm đã giảm nhưng diện rừng bị phá và lấn chiếm lại tăng gần 2.000 ha so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tại xã Glar, từ đầu năm đến nay, đã có 3ha/292,9 ha rừng thông được giao quản lý đã bị người dân lấn chiếm. Nhổ bỏ 592 cây cà phê trồng trái phép. Phá và dở bỏ 70m hàng rào lấn chiếm trên đất rừng thông. Tuần tra và phát hiện được 2 trường hợp đẽo ngo...

Theo ông Sing, nguyên nhân để xảy ra hiện trạng người dân đốt, phá rừng, ken cây để lấn chiếm đất là do: Sự phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương chưa ăn ý. Cán bộ xã làm công tác quản lý, bảo vệ rừng còn kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác tuần tra kiểm soát chưa được thường xuyên. Kiểm lâm địa bàn thường xuyên được điều động, tăng cường sang các địa bàn khác nên chưa quen với địa bàn, nhiều lúc công tác phối hợp còn gặp nhiều khó khăn. Luật và nghị định liên quan đến xử phạt rất nặng, nhưng đối tượng vi phạm chủ yếu là hộ nghèo, không có tiền nộp phạt, từ đó xảy ra tình trạng nhờn luật…

Tình trạng ken cây, phá rừng đã xảy ra nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều chủ trương, văn bản yêu cầu đơn vị quản lý, bảo vệ rừng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp vi phạm. Song với tình hình thực tế như hiện nay đã cho thấy còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trước thực trạng diện tích rừng bị lấn chiếm ngày càng gia tăng như hiện nay, tỉnh Gia Lai cần có những chính sách hỗ trợ đất đai để giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm diện tích rừng bị xâm phạm.

Bài & ảnh: Quế Mai