Tài chính cho bảo vệ môi trường: Quá nhiều khó khăn

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/07/2015

(TN&MT) -Trước những yêu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, việc đi tìm nguồn lực tài chính cho công tác này vẫn là câu chuyện hết sức khó khăn.

Ngân sách Nhà nước chi chưa hiệu quả

Việt Nam đã dành nguồn chi thường xuyên riêng cho hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng do tính chất là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc ngày càng gia tăng.

Chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường hàng năm đã đạt 1% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng còn dàn trải. Tại một số địa phương, việc sử dụng nguồn chi chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường từ các nguồn thu liên quan đến môi trường còn thấp.

Cụ thể là cả nước có 289 khu công nghiệp trong đó có 179 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút gần 5.000 dự án đầu tư, như vậy phí thu từ dịch vụ môi trường, hoạt động ký quỹ bảo vệ môi trường là không nhỏ. Tuy nhiên chỉ có 143 khu công nghiệp đã vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT), trong đó chỉ có 84 khu công nghiệp đã hoàn thành việc đấu nối nước thải từ tất cả các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp vào HTXLNTTT, chiếm tỷ lệ 59%.

Nguồn lực tài chính cho BVMT vẫn là câu chuyện dài
Nguồn lực tài chính cho BVMT vẫn là câu chuyện dài

Đăc biệt, rất nhiều khu công nghiệp đã lấp đầy 70 - 100% nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng HTXLNTTT, kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng các vùng xung quanh. Tại một số khu công nghiệp cũng có các cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động trước khi hoàn thiện HTXLNTTT. Các cơ sở này đã có công trình xử lý nước thải riêng nên không muốn đấu nối nước thải vào HTXLNTTT của khu công nghiệp.

Không thể nói phát triển xanh khi thiếu vốn!

Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam sẽ phải cần tới 30 tỷ USD. Đây là thách thức không nhỏ khi nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn chế. Chính vì vậy, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước thì Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều thách thức ở phía trước, bởi theo điều tra gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, có khoảng 80 – 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu và 76% trong đó là từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao.

Trong khi đó, khảo sát của Tổng cục Thống kê, hiện có trên 95% doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Hơn nữa, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam lại chậm trễ…. Do đó, để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần xoay chuyển cách thức quản lý kinh tế, tạo đột phá trong chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cần có cơ chế tài chính và chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh.

Theo các chuyên gia, để có được nguồn lực tài chính cho môi trường, cần hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Nhà nước cân đối, bố trí các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng trong kế hoạch ngân sách hằng năm cho công tác xã hội hóa về môi trường, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân tham gia vào các loại hình xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường.

Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường bao gồm cả ưu tiên vay vốn ưu đãi, huy động tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và huy động các nguồn lực trong xã hội

Xuân Hợp