Chung tiếng nói "giải cứu" các dòng sông

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 28/05/2015

(TN&MT) - Quản lý tổng hợp và hiệu quả lưu vực sông, trong đó ưu tiên quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đang trở nên cấp bách và...
(TN&MT) - Quản lý tổng hợp và hiệu quả lưu vực sông (LVS), trong đó ưu tiên quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác và sử dụng tài nguyên nước (TNN) đang trở nên cấp bách và là thách thức lớn đối với Việt Nam và khu vực. Do đó, sự thống nhất, nhất trí cao của các địa phương quanh lưu vực được xem là bước đột phá để giải cứu các dòng sông ô nhiễm.
 
3 lưu vực sông chung 1 số phận
 
Mức độ ô nhiễm nước các dòng sông mà đặc biệt là 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai là khá nghiêm trọng và đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Chất lượng nước sông vẫn đang tiếp tục suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt là các đoạn chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề. 
 
LVS Cầu gồm địa giới 6 tỉnh và một phần Thủ đô Hà Nội. Kết quả quan trắc cho thấy, môi trường nước mặt LVS Cầu bị ô nhiễm cục bộ, bắt đầu từ đoạn chảy qua thị xã Bắc Cạn về hạ lưu các thông số BOD5, NH4 và TSS đã vượt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. LVS Nhuệ - sông Đáy bao gồm một phần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Chất lượng nước của nhiều đoạn thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, giá trị các thông số BOD5, COD, Colifom... tại các điểm đo đều vượt QCVN 08 của Bộ BTNMT nhiêu lần. 
 
Bảo vệ môi trường sông cần sự đồng thuận của các địa phương trên lưu vực
Bảo vệ môi trường sông cần sự đồng thuận của các địa phương trên lưu vực
Theo thống kê sơ bộ, trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có đến 103 KCN do Chính phủ ra quyết định thành lập  với diện tích quy hoạch trên 33.600 ha, thải ra lượng nước thải từ sản xuất công nghiệp khoảng 1,8 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 1/3 các KCN/khu chế xuất đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; một số KCN có trạm xử lý nước thải tập trung nhưng vận hành chưa đúng quy định; tỷ lệ đấu nối nước thải các nhà máy vào hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp; nguồn phát sinh nước thải chủ yếu từ các ngành: Chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, giấy, chế biến mủ cao su, xi mạ... 
 
Tại nhiều vị trí các giá trị COD vượt ngưỡng QCVN 08 mức BI nhiều lần. Khu vực cửa sông đã bị ô nhiễm hữu cơ, giá trị các thông số đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT mức AI, một số nơi còn vượt mức BI (cảng Gò Dầu, Phú Mỹ, Cái Mép). Ngoài ra, các tác động tiêu cực từ thủy điện, khai thác khoáng sản phía thượng nguồn, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang là những mối đe dọa đến môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
 
Đồng thuận – yếu tố tiên quyết
 
Những thay đổi trên bắt nguồn từ sự phát triển thủy điện ồ ạt, mở dòng mới để chuyển nước, khai thác khoáng sản và các tác động khác của con người; gây ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước, thoái hóa lòng sông, tác động tiêu cực đến dòng chảy, môi trường, nguồn nước sinh hoạt và đời sống, sinh kế của dân cư.
 
Các chuyên gia cho rằng, sự đồng thuận giữa các Bộ ngành và địa phương được xem là điều kiện tiên quyết để quản lý, phát triển và sử dụng bền vững TNN trên LVS. Vì vậy, chính phủ cần quy định một cách rõ ràng chức năng và nhiệm vụ Ủy ban LVS để Ủy ban này có “quyền hạn” và “quyền lực” thực sự, đủ mạnh để thực hiện chức năng điều phối LVS hiệu quả.
 
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT đã tiến hành lập các Quy hoạch thành phần liên quan cho cấp LVS. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN trên LVS Cầu đến năm 2030; Kế hoạch triển khai 3 Đề án BVMT LVS. Các Quy hoạch BVMT của 3 LVS đến năm 2020, Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên 3 LVS đang được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Hiện tại, Bộ TN&MT đã tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường do các loại hình sản xuất, kinh doanh gây ra trên LVS, phục vụ xây dựng "Nghị định Chính phủ quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên các LVS: Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai"; điều tra, thống kê nguồn thải và đề xuất các giải pháp quản lý; tiến hành phân vùng môi trường phục vụ cải thiện chất lượng nước các đoạn sông thuộc 3 LVS; xây dựng hệ thống thông tin môi trường cho 3 LVS.
 
Hiện nay, 22 tỉnh/TP thuộc 3 LVS đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS trên địa bàn giai đoạn đến năm 2015. Từ các Kế hoạch này, các dự án đầu tư xử lý nước thải đô thị và công nghiệp đã được các tỉnh/TP tập trung xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện, đặc biệt tại các tỉnh/TP lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Có thể kể đến các dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Yên Xá, Cầu Ngà (Hà Nội), Bắc Ninh, Từ Sơn (Bắc Ninh), Bình Hưng, Tham Lương - Bến Cát (TP Hồ Chí Minh), Nam Bình Dương (Bình Dương)...
 
Đây được xem là những tín hiệu khả quan, góp phần hồi sinh những dòng sông khắc khoải vì ô nhiễm. 
 
Phương Anh