Công ty CP Mía đường Lam Sơn bị dân "tố" xả nước thải gây ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/02/2015

(TN&MT) - Vừa qua người dân thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa liên tục "tố" Công ty CP Mía đường Lam Sơn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường...
(TN&MT) - Vừa qua Báo Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) về việc Công ty CP Mía đường Lam Sơn xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra cánh đồng thôn Đoàn Kết gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của bà con, gây bức xúc cho nhân dân nơi đây.
   
Dân “tố” Công ty Mía đường Lam Sơn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường
    
Có ô nhiễm
   
  Theo sự chỉ dẫn của người dân, không khó để chúng tôi tìm ra cống nước thải này. Vòng qua cổng Nhà máy đường rổi thẳng ra sân bóng thôn Đoàn Kết xuyên qua cánh đồng mía chúng tôi được mục sở thị về những gì người dân nơi đây phải gánh chịu.
   
  Cống nước thải này lộ thiên, chảy qua các khu dân cư thị trấn Lam Sơn và xuyên suốt cả một cánh đồng rộng lớn rồi đổ thẳng ra sông Chu. Tại thời điểm PV tác nghiệp, nguồn nước thải này có màu gạch cua (hay còn gọi màu caramen), mùi mật mía bốc lên nồng nặc, các bã mía, mùn mía lẫn trong dòng nước ồ ạt chảy ra môi trường, mặc dù cống nước thải này rộng 1,2 – 1,5 m và sâu trên 0,6 m những nước chảy rất xiết chứng tỏ lượng nước được xả vào cống này là vô cùng lớn.
   
  Ông Mai Văn Xuyến ở xóm Nhà thờ, thôn Đoàn Kết bức xúc cho biết: Trước đây, cống nước thải này chảy thẳng cắt ngang qua các khu ruộng nhưng mới được “nắn dòng” ra xa ruộng lúa hơn 6 năm nay. Theo ông Xuyến, nước này không chỉ nóng mà còn rất bẩn, nước chảy thì thôi còn nếu chẳng đọng lại đâu đó ít ngày thì mùi còn bốc lên nồng nặc hơn rất nhiều. Cứ mỗi khi đến vụ ép là cá, tôm, thủy sinh ở các kênh mương, sông lại chết trắng. Riêng lúa 2 vụ gần đây không bị thiệt hại vì hợp tác xã không hợp đồng với công ty để lấy thứ nước này tưới nữa, trước kia năm nào lúa của người dân cũng bị chết héo không thể thu hoạch được, nhẹ thì vài ha, nặng có khi cả chục ha mất trắng.
   
  Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Bá Thắng – Trưởng phòng Môi trường Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết: Cống xả thải ra thôn Đoàn Kết hay còn gọi là cửa xả số 2 là nước làm mát và nước thải sinh hoạt của nhà máy được chảy chung với hệ thống thoát nước của thị trấn Lam Sơn. Nhưng vì Nhà máy đường số 1 công nghệ đã lạc hậu công ty mới cho ngừng hoạt động và đánh rửa toàn bộ nhà máy và nước này cũng được xả thẳng ra cửa số 2 nên việc ô nhiễm là hoàn toàn có thật.
   
   
Đánh lận trắng đen?
   
  Theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 470/GP – UBND ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì Công ty CP Mía đường Lam Sơn được xả nước thải qua 3 cửa. Trong đó, cửa xả số 1 là nước thải từ hồ sinh học sau khi xử lý đạt quy chuẩn cho phép lưu lượng 4.500 m3/ngày đêm, được tuần hoàn tái sử dụng 80%, còn lại 20% với lưu lượng là 900 m3/ngày đêm với thời gian xả nước thải từ ngày 01/10 đến ngày 10/11 hàng năm. Cửa xả 2 và 3 là nước làm mát và nước thải sinh hoạt có lưu lượng 3.028 m3/ngày đêm với thời gian từ 15/11 đến tháng 5 năm sau (liên tục trong vụ sản xuất).
   
  Rõ ràng, cửa xả số 2 ra thôn Đoàn Kết chỉ được phép xả nước làm mát và nước sinh hoạt nhưng theo người dân Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã có dấu hiệu trà trộn, đánh lận trắng đen lợi dụng đường xả này để xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Giải thích về lý do nước làm mát và nước sinh hoạt lại có màu caramen và mùi mật mía nồng nặc cũng như mùn và bã mía rất nhiều, ông Lê Bá Thắng - Trưởng phòng Môi trường Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho rằng: Trong quá trình làm mát các mật mía “rơi vãi” cũng như các chất hữu cơ trong quá trình sản xuất bị dòng nước này cuốn đi nên không thể tránh khỏi hiện tượng trên(?!).
   
  Được biết, năm 2012, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và chấp hành luật pháp vê môi trường đối với Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã có kết luận và xử phạt với số tiền là 104 triệu đồng với hành vi xả khí thải, nước thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường.
   
  Hệ lụy do việc xả thải của Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong nhiều năm nay vẫn còn, do vậy dư luận nhân dân không khỏi hoài nghi đặt câu hỏi: Phải chăng Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã trà trộn nước thải sản xuất chưa qua xử lý thải ra môi trường qua cửa xả số 2?. Câu trả lời xin dành cho Sở TN&MT và UBND tỉnh Thanh Hóa.
   
  Bài & ảnh: Tuyết Trang- Anh Tú