Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam: Nhiều lỗ hổng khó kiểm soát

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/11/2014

(TN&MT) - Các chuyên gia của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đưa ra nhận định không ít loài sinh vật ngoại lai gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh...
   
(TN&MT) - Tại Hội thảo đánh giá thực trạng công tác quản lý về sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội, các chuyên gia của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đều đưa ra nhận định không ít loài sinh vật ngoại lai gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, sở dĩ để xảy ra tình trạng đó là do còn nhiều lỗ hỗng trong kiểm soát và quản lý.
   
Những khoảng trống pháp lý
   
  Theo thống kê của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), số lượng thực vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lại. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do chưa được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra hệ lụy nặng nề.
   
   
Quản lý triệt để sinh vật ngoại lai xâm hại đang trở thành vấn đề cấp bách
   
  “Nút thắt” nẳm ở chỗ, việc quản lý sinh vật ngoại lai do ngành TN&MT, ngành nông nghiệp chủ trì. Trong đó, ngành nông nghiệp có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, còn việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do cả ngành TN&MT và nông nghiệp thực hiện. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát.
   
  Hệ thống văn bản quản lý sinh vật ngoại lai ở Việt Nam được thể hiện ở Luật Bảo vệ môi trường 2005; Luật Đa dạng sinh học 2008 ; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, 2013; Luật Thủy sản 2004; Luật Bảo vệ phát triển rừng 2004. Ngay trong nội tại Luật Đa dạng sinh học 2008 đã không thống nhất các điều khoản, tại Khoản 7, Điều 7 những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học có quy định nghiêm cấm việc “nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại”; Khoản 1, Điều 50 quy định “Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”. Như vậy, theo quy định này, các loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đều thuộc đối tượng nghiêm cấm nhập khẩu và phát triển.
   
  Tiếp đó, Tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”;  Tại Khoản 3, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định "Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai". Điều này dẫn đến những vướng mắc trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, do vậy, cần nhanh chóng xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí cần phải luật hóa để việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai hữu hiệu hơn.
   
  Bên cạnh đó, thiếu quy định về phân tích nguy cơ xâm hại, phát hiện sớm và phản ứng nhanh. Cụ thể vấn đề phân tích nguy cơ xâm hại, đặc biệt nguy cơ xâm hại trước khi tiến hành nhập khẩu, chưa được quy định trong Luật Đa dạng sinh học dẫn đến chưa có căn cứ pháp lý để quy định nội dung này.
   
Từng bước trám lỗ hổng
   
  Theo các chuyên gia môi trường, để ngăn ngừa và kiểm soát được sự lây lan, giảm thiểu tác hại của một số loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam, trước hết cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai xâm hại.
   
  Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt với các nước trong khu vực ASEAN trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn, mạng lưới trao đổi kinh nghiệm về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
   
  Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lại xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Đề án tập trung tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai là kiểm soát và lập danh mục, hồ sơ theo dõi các loài ngoại lai nhập khẩu vào Việt Nam; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp Lãnh đạo và chuyên viên quản lý chuyên môn công tác tại các Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý Khu bảo tồn về công tác ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
   
  Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Luật Đa dạng sinh học 2008 và Quyết định 1896 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường triển khai các hoạt động xây dựng năng lực về quản lý sinh vật ngoại lai. Trong thời gian qua, trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án khu vực “Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ khu vực Đông Nam Á” của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Tổng cục Môi trường đã tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo tăng cường năng lực để thiết kế chương trình nâng cao năng lực phù hợp cho các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đánh giá này, Tổng cục Môi trường tổ chức chương trình đào tạo cho các cơ quan quản lý cấp trung ương, địa phương về việc ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.
  Quản lý triệt để sinh vật ngoại lai xâm hại đang trở thành vấn đề cấp bách và bức thiết. Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần xắn tay vào ngăn chặn, tiêu diệt sinh vật ngoại lai để giảm thiệt hại cho dân, trả lại môi trường sống an toàn cho các sinh vật bản địa trong đó có con người Việt Nam.
   
Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài 2: Chăn nuôi loài ngoại lai xâm hại -  Lợi bất cập hại trên tainguyenmoitruong.com.vn trong những ngày tới
   
Phương Anh