Cần giải cứu làng quê bằng chế phẩm sinh học để xử lí rơm rạ

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/09/2014

(TN&MT) - Lượng rơm rạ dư thừa được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng ruộng đã làm ô nhiễm môi trường sống...
   
(TN&MT) - Việt Nam có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính, do vậy lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Lượng rơm rạ dư thừa được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng ruộng đã làm ô nhiễm môi trường sống và hệ sinh thái đồng ruộng, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
   
Địa phương chủ động
   
  Các tỉnh Bắc Trung Bộ và miền Bắc đang vào chính vụ thu hoạch lúa, việc giải quyết số lượng lớn rơm rạ trên các cánh đồng đang đặt ra vấn đề cấp thiết của chính quyền địa phương, bởi nếu không được xử lí triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông và khói bụi phát tán lớn mỗi khi người dân đốt rơm rạ.
   
Người dân tiến hành ủ rơm rạ từ chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ
   
  Để chủ động xử lí nhiều địa phương đã chọn giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học FITO-BIOMIX-RR do Công ty CP Công nghệ sinh học Hà Nội sản xuất, đã được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số HI-2010 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.
   
  Được biết, Hải Dương vừa quyết định hỗ trợ 5 tấn chế phẩm Fito-Biomix-RR cho các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch vụ mùa năm 2014. Các hộ đăng ký tham gia dự án xử lý rơm, rạ sẽ được hỗ trợ 100% chế phẩm. Dự kiến tỉnh Hải Dương sẽ xử lý được 25 nghìn tấn rơm rạ.
   
  Những địa phương được xem là “vựa lúa” lớn ở miền Bắc như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa… đã triển khai rộng rãi và đem lại kết quả kinh tế rõ rệt, đặc biệt được các nhà chuyên gia nông nghiệp và người nông dân đánh giá cao.
   
  Chị Nguyễn Thị Nương, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết: Sau khi được chính quyền hỗ trợ chế phẩm sinh học và phổ biến cách làm người dân chúng tôi đã tự làm ra phân bón hữu cơ để trồng rau, đậu tương, ngô… vì vậy việc đốt rơm rạ theo phương thức thủ công trước đây giờ còn rất ít. Không riêng gì ở huyện Cẩm Giàng mà nhiều địa phương người nông dân đã nhận thức được tác hại của quá trình đốt rơm rạ đối với môi trường. Vấn đề đặt ra bây giờ là chính quyền địa phương ở các tỉnh cần hỗ trợ chế phẩm sinh học và hướng dẫn kĩ thuật miễn phí cho người dân, có như vậy thị hiệu ứng sẽ lan truyền rộng và hiệu quả đem về mới cao.
   
Phấn đấu không còn khói, bụi
   
  Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất được tiến hành dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng, là sản phẩm tuyệt đối an toàn với người và động vật, kết quả đã được các chuyên gia nông nghiệp kiểm chứng.
   
Khói bụi nếu không xử lí tốt sẽ đầu đọc môi trường
   
  Cứ mỗi tấn rơm rạ được ủ cùng 0,2kg chế phẩm, 3kg phân hóa học NPK và 50 lít nước trộn cho nồng độ ẩm đạt trên 80%. Trải rơm rạ thành từng lớp, mỗi lớp dày 30cm thì tưới một lượt dung dịch chế phẩm hòa tan và rắc mỏng phân hóa học NPK, có thể bổ sung thêm phân chuồng. Sau đó, đậy toàn bộ đống ủ bằng nilon để đảm bảo vệ sinh, giữ độ ẩm và nhiệt.
   
  Để cho rơm, rạ vụn thêm và làm cho các loại vi sinh vật phân bố đều cần phải thường xuyên tưới bổ sung duy trì độ ẩm, trộn đều giữa chỗ phân hủy và chỗ chưa phân hủy lần thứ nhất sau 10-12 ngày, lần thứ hai cách lần một 10 ngày. Sau 30 ngày trở đi có thể tiến hành kiểm tra chất lượng phân, nếu đảm bảo yêu cầu có thể mang ra sử dụng ngay hoặc để cho vụ sau.
   
  Trung bình sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất đi hơn 5 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ. Ước tính cả nước rơm rạ sau thu hoạch khoảng 46 triệu tấn, nếu được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học tương đương: 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng (Lấy bình quân của giá phân hoa học hiện tại - pv).
   
  Trên thực tế phân bón hữu cơ được coi như là một nhân tố đi đầu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải tạo độ màu mỡ đất đai, trong khi xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân gần như không còn, vì vậy nhu cầu về phân bón hữu cơ từ rơm rạ là rất lớn.  Về lâu dài đây vừa tận dụng được nguồn rác thải, giúp người nông dân tiết kiệm công làm đất, vừa bảo vệ môi trường, góp phần cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
   
Doãn Xuân