Tội phạm môi trường: “Lưới trời” khó thoát!

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/08/2014

(TN&MT) - Hàng loạt các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường bị phanh phui, phát hiện và xử lý kịp thời...
(TN&MT) - Hàng loạt các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường bị phanh phui, phát hiện và xử lý kịp thời, công tác đấu tranh của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đang có sức lan tỏa, tạo được hiệu ứng lớn và nhận được sự đồng tình của nhân dân.
   
Lực lượng Cảnh sát môi trường lấy mẫu nước thải
   
Vải thưa khó che luật pháp
   
  Tình hình tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến mới, phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính nhờ những chiến công của lực lượng cảnh sát môi trường đã đem lại những hiệu quả tích cực, có tác dụng răn đe quyết liệt, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp.
   
  6 tháng đầu năm 2014, lực lượng cảnh sát môi trường đã xử lý 6.095 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính trên 76 tỷ đồng, chuyển Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 75 vụ, 81 đối tượng. Nổi lên ở các vụ việc là hành vi buôn lậu hàng hóa thực phẩm, gia súc gia cầm và thủy hải sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, phần lớn các doanh nghiệp đều không có hồ sơ, thủ tục công tác BVMT, không thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
   
  Đơn cử ở lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, chủ nguồn thải thường cấu kết với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại để ký khống chứng từ chất thải nguy hại mà không thực hiện việc chuyển giao, thu gom, vận chuyển, mua bán chất thải nguy hại dưới dạng phế liệu để trốn tránh chi phí xử lý, vận chuyển. Đầu tháng 7/2014 vừa qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng 5 (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ CA) cũng đã phát hiện điều tra và làm rõ vụ nhập khẩu hàng điện tử đã qua sử dụng của Công ty CP Phát triển xăng dầu Thái Dương, Hải Phòng. Với thủ đoạn khai báo hải quan lô hàng 20 container là sắt thép được nhập khẩu nhưng trên thực tế chỉ có 2 container là đúng khai báo, còn lại 18 container là các linh kiện điện tử, vi mạch điện tử… đã qua sử dụng. Cục đã mời Vinacontrol Hải Phòng lấy mẫu giám định hàng hóa. Kết quả hàng hóa trong kho bãi của Công ty TNHH Mai Hương - thuộc tờ khai hải quan của Công ty CP Phát triển xăng dầu Thái Dương và trong 3 container đang lưu giữ tại Công ty TNHH Mai Hương là chất thải nguy hại.
   
   Trước thời điểm đó, hàng loạt các vụ viêc vi phạm đã được điểm mặt, chỉ tên với việc C49 ra quyết định xử phạt với tổng số 27 trường hợp vi phạm, đa phần là xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đơn cử là các doanh nghiệp: Xưởng giặt thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đức Duy; Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất nhựa Việt Nhật; Công ty TNHH Nam Long; Công ty cổ phần Hưng Lợi; Chi nhánh Công ty cổ phần Sơn Lâm; Công ty TNHH High Poin Furniture Global Việt Nam; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Việt Mỹ; Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa; Công ty TNHH Thanh Bình…
   
Thống nhất trong hành động
   
  Gần 4 năm trở lại đây, trên toàn quốc, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó khởi tố trên 350 vụ với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng.
   
  Có được những kết quả đó là nhờ việc thiết lập hệ thống chuyên trách đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường từ trung ương tới địa phương; cũng như xây dựng đường lối, phương thức hoạt động của ngành. Nổi bật là lực lượng đã chú trọng triển khai các công tác nghiệp vụ, sử dụng mạng lưới bí mật, tiến hành điều tra cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến làng nghề, xây dựng đô thị, khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng, giấy, hoá chất, dịch vụ, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm... tại các địa bàn trọng điểm.
   
  Theo nhận định của cảnh sát môi trường, trong những năm tới, do hệ thống pháp luật đang từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường cũng đang từng bước củng cố năng lực để thực thi pháp luật, nên các đối tượng vẫn sẽ khai thác triệt để những kẽ hở này để vi phạm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh nhập khẩu, khai thác tài nguyên, khoáng sản, lĩnh vực quản lý, xây dựng đô thị sẽ có những diễn biến phức tạp mới…
   
  Từ những nhận định đó cho thấy công tác phòng, chống tội phạm về môi trường đặt ra những thách thức rất nặng nề. Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để chủ động tiến công có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm với phương châm: Ngăn chặn, kiềm chế tiến tới đẩy lùi loại tội phạm này. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong toàn dân.
   
Phương Anh