Hậu Giang: Giật mình với nước thải y tế

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/08/2014

(TN&MT) - Cuối năm 2013 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 84 bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế, trung bình mỗi ngày xả khoảng 600m3 nước thải.
   
(TN&MT) - Khảo sát của Sở Y tế Hậu Giang, cuối năm 2013 trên địa bàn có 84 bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế, trung bình mỗi ngày xả khoảng 600m3 nước thải phần lớn chưa qua xử lý ra môi trường…
   
Thấy rõ tính chất nghiêm trọng...
   
  Sở Y tế Hậu Giang khẳng định: Nguy cơ chủ yếu của nước thải y tế là vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh đường ruột. Với lượng nước thải y tế mà các cơ sở y tế đang thải trực tiếp ra môi trường là nguồn gây ô nhiễm rất đáng quan ngại, đặc biệt là nguồn nước mặt.
   
Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa thành phố Vị Thanh
   
  Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cũng đã nhìn nhận công tác quản lý chất thải ở các cơ sở y tế hiện nay còn nhiều khó khăn. Chủ yếu là kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế còn thiếu, mà nhu cầu đầu tư để xây dựng mới các hệ thống xử lý chất thải rất lớn. Trong khi, hầu hết các bệnh viện đều có cơ sở vật chất cũ kỹ, chắp vá xuống cấp. Sau khi chia tách, tỉnh chỉ quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh theo kiểu “mì ăn liền”, còn chất thải thì chưa thể giải quyết dứt điểm. Mãi đến năm 2008, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mới có đầu tư xây dựng, thì sau 3 năm mới có vài bệnh viện được đầu tư hoàn chỉnh.
   
  Hiện nay, ngoài Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh được xây dựng hệ thống xử CTLYT với công suất 500m3/ngày và 2 bệnh viện mới xây (BVĐK Châu Thành A, BVĐK Ngã Bảy) có hệ thống CTLYT tốt các cơ sở y tế khác không có hệ thống CTLYT. Nước thải được xử lý bậc 1 bằng các bể tự hoại được bố trí phân tán dưới các tòa nhà. Hệ thống cống thu gom nước thải từ các khoa phòng và nước thải từ các bể tự hoại tới công trình xử lý sinh học tập trung. Tại đây nước thải được xử lý bằng các công trình xử lý cơ học (bể điều hòa, bể lắng), công trình xử lý sinh học trong điều kiện hiếu khí bằng bùn hoạt tính và công trình khử trùng bằng Clo. Nước thải của các đơn vị y tế hiện đang được đổ vào hệ thống cống chung, đổ vào bể tự hoại hoặc cho chảy vào ao hồ hay chảy tràn trên mặt đất.
   
Thiếu sự đầu tư đúng mức...
   
  Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang kiểm tra việc xử lý nước thải tại 7 cơ sở y tế, ghi nhận 5 bệnh viện cấp huyện xử lý theo biện pháp lắng lọc sơ bộ bằng các hố ga, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định (có từ 1 đến 4 thông số vượt quy chuẩn).
   
  Hoạt động từ gần 10 năm qua, BVĐK huyện Phụng Hiệp qui mô 110 giường bệnh, hàng ngày khám điều trị 400-500 bệnh nhân ngoại trú, trên 100 bệnh nhân nội trú, tổng lượng nước thải 50m3/ngày không được xử lý, thải trực tiếp xuống cống thoát nước công cộng và chảy ra sông. Ban Giám đốc bệnh viện nhiều lần đề nghị nhưng không được đầu tư vì bệnh viện này đang chờ di dời đi nơi khác.
   
  BVĐK huyện Long Mỹ đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo, mở rộng quy mô từ 100 giường lên 250 giường, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, lượng nước thải khoảng 80m3/ngày nhưng hệ thống xử lý còn trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Một số đường ống vẫn chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải, đơn cử như khu B thì vẫn đang phát sinh các hoạt động khám, chữa bệnh gồm các khoa: nhi, phòng X - Quang, sản, nội vẫn xả riêng theo cống sinh hoạt ra sông.
   
Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ chỉ mới đưa vào vận hành thử nghiệm
   
  BVĐK huyện Châu Thành mới xây dựng gần 2 năm nay, có đầu tư hệ thống xử lý CTLYT công suất 120m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư cho cả hệ thống xử lý nước thải, rác thải dự kiến hơn 10 tỉ đồng. Nhưng trong quá trình thi công vì thiếu kinh phí nên mới chỉ xây dựng xong hệ thống thu gom. Đến năm 2013, bệnh viện phải “chữa cháy” bằng cách đào bổ sung một bể tạm ở cạnh hố thu gom để chứa nước thải. Và từ đó đến nay, mỗi ngày có khoảng 20m3 nước thải của bệnh viện này cứ thản nhiên thải ra môi trường. Mới đây, công trình đã khởi động lại nhưng nhanh thì cũng phải đến cuối năm nay công trình mới hoàn thành.
   
  Mặc dù đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ lâu và cơ bản hoàn chỉnh, song đến nay, hệ thống xử lý nước thải lỏng của BVĐK TP.Vị Thanh (trước là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang) với tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng vẫn “đắp chiếu”, bởi chưa đấu nối được vào hệ thống xử lý. Toàn bộ nước thải của bệnh viện chưa qua xử lý mới được thu gom vào hệ thống đường ống dẫn và đổ vào hố tự thấm ngầm. Ban Giám đốc BVĐK TP.Vị Thanh chưa biết đến khi nào hệ thống xử lý mới được vận hành. Bệnh viện cũng đang mong mỏi chủ đầu tư lắp đặt các trang thiết bị để sớm đưa dự án vào vận hành, hoạt động. Qua đó, xử lý hiệu quả nguồn nước thải, góp phần bảo đảm môi trường bệnh viện và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nguyên nhân chưa đấu nối các hệ thống cống vào hệ thống xử lý nước thải là vì bệnh viện mới đang xây dựng nên không tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện cũ nữa.
   
Chưa quyết liệt trong xử lý và khắc phục…
   
  Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, Hoàng Quốc Cường, qua kiểm tra, đối với các bệnh viện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh về lộ trình thời gian khắc phục, đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các trường hợp này. Trên cơ sở đó, ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của chủ đầu tư. Trong trường hợp vẫn chưa khắc phục hoặc khắc phục chưa triệt để, thì sẽ xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền hoặc báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định, xử lý.
   
  Còn các biện pháp khắc phục cũng chưa có sự cam kết chắc chắn và khẩn trương. Hiện Sở Y tế Hậu Giang đang xây dựng Đề án đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế cho cơ sở y tế trong tỉnh trình Bộ Y tế phê duyệt. Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang - Phan Thanh Tùng, cho biết: Dự kiến đến 2015, ở tuyến huyện sẽ có 5 bệnh viện được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải lỏng (trừ BVĐK huyện Phụng Hiệp và TP.Vị Thanh). Đối với việc xử lý nước thải ở các trạm y tế tuyến xã, Sở Y tế đã có kế hoạch đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý chất thải cho các trạm y tế xã. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề đầu tư, còn việc xử lý có triệt để hay không thì cần thời gian vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Có thể phải đến năm 2016 thì việc xử lý CTLYT của ngành y tế Hậu Giang mới đạt yêu cầu theo chuẩn của Bộ Y tế.
   
Bài và ảnh: PHONG VÂN